Bất chấp xung đột và nghèo đói, các vũ công CH Trung Phi nỗ lực giữ gìn các điệu nhảy truyền thống
VOV1 - Hàng tuần, các vũ công Đoàn Nghệ thuật Ba lê Quốc gia CH Trung Phi đều chăm chỉ tập luyện các điệu nhảy truyền thống. Giữa bối cảnh xung đột kéo dài khiến đất nước bị tàn phá nặng nề, những người nghệ sĩ nơi đây khao khát có thể bảo tồn được những nét di sản văn hóa đặc trưng của dân tộc.

 

Cứ 3 lần 1 tuần, Đoàn Nghệ thuật Ba lê Quốc gia lại tụ họp với nhau để cùng luyện tập các điệu nhảy truyền thống của các nhóm dân tộc của Cộng hòa Trung Phi (CAR). Trong buổi tập mới nhất, các vũ công lắc hông, đá chân theo nhịp điệu của “vũ điệu sâu bướm” truyền thống đã có từ lâu đời, thường được trình diễn ở phía Nam đất nước - những vùng đất mà con người thường bắt côn trùng làm thức ăn. Chị Sidoane Kolema - một vũ công 43 tuổi, cho biết: “Thời gian qua không có ai đứng lên để phụ trách việc này cả, nhưng chúng tôi tự nhận thấy cần truyền dạy các điệu nhảy múa truyền thống cho giới trẻ - những người luôn tràn đầy sức sống và có thể đồng hành với chúng tôi, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa này. Nếu một ngày nào đó, chúng tôi – thế hệ đi trước không còn ở đây nữa thì họ có thể tiếp tục sứ mệnh này”.

Với chị Kolema, công việc của chị là truyền dạy các điệu nhảy đặc trưng của dân tộc Banda của gia đình chị, đồng thời phát triển, dàn dựng thành các màn trình diễn sáng tạo, hấp dẫn hơn. Còn với các nghệ sĩ khác sẽ là những điệu nhảy, điệu múa của các dân tộc khác mà họ đại diện; từ đó từng bước ghép nối thành một bức tranh tổng hòa các điệu nhảy truyền thống của các dân tộc trên khắp cả nước.

Như chị Intelligentsia Oualou - 26 tuổi mang đến các buổi tập những bài hát bằng tiếng Gbanu - ngôn ngữ của vùng Ombella-M’poko ở phía Tây Nam quê hương của chị: “Các điệu nhảy múa truyền thống đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Sau những cuộc xung đột và chiến tranh gần đây, các nhóm dân tộc khắp cả nước đã bị chia rẽ nghiêm trọng. Thế nhưng nhờ có những điệu múa như thế này, chúng tôi lại tìm thấy những giá trị chung và hiểu rằng, chúng tôi là một gia đình”.

Trong tiếng chuông leng keng, tiếng trống và đàn balafon - giống như đàn xylophone, những cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn xoay tròn, lắc lư theo điệu nhạc sôi động nổi bật trên “sân khấu” được dựng trên một bãi đất hoang ở thủ đô Bangui. Dù điều kiện khó khăn nhưng bất cứ ai đến đây cũng đều thể hiện hết mình với tư cách là những người nghệ sĩ thực thụ. Biên đạo múa Ludovic Mboumolomako - 55 tuổi thuộc Đoàn Nghệ thuật Ba lê quốc gia chia sẻ về quá trình tìm kiếm, sưu tập và gìn giữ các điệu nhảy truyền thống: “Để có thể quảng bá được văn hóa đất nước, chúng tôi phải đến những khu vực, vùng đất xa xôi để tìm kiếm, sưu tập những điệu nhảy đa dạng đặc trưng cho từng nơi, tạo nên một bức tranh lớn đặc sắc của Cộng hòa Trung Phi”.

Ông kể lại một kỷ niệm đáng nhớ khi từng dành nhiều tuần để hòa nhập vào cuộc sống của những người Pygmy trong một khu rừng ở phía Nam và đã thu thập thêm được nhiều chất liệu quý báu cho các điệu nhảy, bài hát và cả lối sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Trong khi đó, để có thêm động lực cống hiến cho các nghệ sĩ địa phương, Bộ trưởng Văn hóa Ngola Ramadan cho biết: “Để tạo động lực cho các vũ công địa phương, gần đây, chính phủ đã áp dụng các chế độ như với các công chức - giống như các diễn viên và nhạc sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật quốc gia. Họ sẽ đảm bảo có mặt trong các sự kiện, dịp lễ nếu được yêu cầu và ngược lại, cuối mỗi tháng họ sẽ được nhận lương chứ không chỉ là khoản trợ cấp ít ỏi như trước”.

Đảm bảo thu nhập và cuộc sống, tất yếu người dân cũng có sẽ động lực để hết mình với nghệ thuật, bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo. Tín hiệu mừng là Đoàn nghệ thuật đã được mời trình diễn tại nhiều sự kiện lớn như lễ nhậm chức, các buổi lễ, gặp mặt chính trị cấp cao; sắp tới là Triển lãm toàn cầu World Expo tại Osaka (Nhật Bản).

Cứ như vậy, bất chấp xung đột và căng thẳng tiếp diễn, những chiếc váy raffia trang trí thắt lưng ngọc trai vẫn sẽ đung đưa theo điệu trống nhịp nhàng, để các bước nhảy truyền thống của Cộng hòa Trung Phi sẽ mãi gắn bó với người dân nơi đây./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận