Sớm xây dựng kế hoạch chuyển đổi phát triển giao thông xanh
VOV1 - Sáng nay (21/7), tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Xây dựng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Hiện nay, toàn quốc có 83 nhà máy xử lý nước thải đô thị đang vận hành tại 50 đô thị, với tổng công suất thiết kế là hơn 2 triệu mét khối/ngày. Tại một số các đô thị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng chưa đạt công suất thiết kế. Đến nay, việc chuyển đổi xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện năng lượng xanh đã có thay đổi rõ rệt, đặc biệt với ô tô điện đã tăng 23,8%. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 2 Thông tư quy định kỹ thuật về đo đạc báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, một số khó khăn, hạn chế như ngân sách chi sự nghiệp cho môi trường của các bộ, ngành còn ít và có xu hướng giảm, nguồn nhân lực cũng như năng lực triển khai công tác quản lý nhà nước về môi trường, giảm nhẹ khí phát thải khí nhà kính còn mỏng chủ yếu là tập trung ở trung ương. Ô nhiễm bụi từ hoạt động xây dựng chưa được kiểm soát triệt để. Việc phát triển phương tiện giao thông công cộng và chuyển đổi, sử dụng xe buýt, xe taxi thân thiện môi trường còn chậm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị: Trong thời gian tới, Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2020 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là liên quan đến sắp xếp của chính quyền hai cấp, sáp nhập các địa phương. Đối với Chính phủ, chúng tôi đề nghị sớm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Chính phủ ban hành lộ trình chuyển đổi loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, làm căn cứ để Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, thực hiện lộ trình, giao cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cân đối đủ nguồn lực nhằm thực hiện các nội dung quy định có tính chất mới tính chất đột phá.

Nhiều thành viên Đoàn giám sát quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị với bảo vệ môi trường, đặc biệt là các phương án, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông giảm phát thải. Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Trong quyết định 876 của Thủ tướng, chúng ta chỉ đề ra mục tiêu đến 2030 sẽ cố gắng là lắp đặt các trạm sạc điện cho xe điện ở các khu đô thị và đến 2040 lắp tại các đường giao thông cao tốc. Các cơ sở hạ tầng mà nếu bây giờ chúng ta lại đưa ra ngay một lộ trình để chuyển xe xăng thành xe điện thì liệu rằng có tương thích với quyết định 876. Biện pháp giảm phát thải là tốt nhưng giảm theo lộ trình như thế nào?

Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm xây dựng kế hoạch chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh: Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, vấn đề định lượng, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, cần rà soát, loại bỏ các quy định quản lý chất thải rẳn đã lạc hậu, không còn phù hợp với tư duy kinh tế tuần hoàn, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng, biến chất thải thành tài nguyên; Bộ xây dựng cần chủ động phối hợp với các Bộ để đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực xã hội vào các công trình hoạt động môi trường; ứng dụng công nghệ mới chuyển đổi số trong quản lý xây dựng giao thông vận tải, phát triển đô thị thông minh, hệ thống giao thông thông minh để tối ưu hóa trong vận hành giảm thiểu tác động môi trường.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận