Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành). Quan điểm xây dựng Luật là quán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành cũng là để để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Kết quả đánh giá được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu nhằm sàng lọc và đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đại biểu Trần Công Phàn, đoàn Bình Dương cho rằng, luật sửa quy định liên quan vấn đề này là cần thiết. Bởi từ trước đến nay khó nhất là đánh giá cán bộ, vì mọi quy trình trong công tác cán bộ đều trên cơ sở đánh giá.

Trong khi đó, cho rằng Dự thảo Luật cán bộ công chức sửa đổi chưa có hướng dẫn cụ thể về đo lượng kết quả sản phẩm; thiếu công cụ đánh giá khách quan từ người dân, doanh nghiệp; chưa quy định cơ chế giám sát công chức của người đứng đầu để tránh tình trạng đánh giá mang tính chủ quan, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận đề xuất: “giao Chính phủ quy định chi tiết phương pháp đánh giá từng nhóm vị trí việc làm, trong đó công chức lãnh đạo như thế nào, công chức làm chuyên môn ra sao và công chức phục vụ như thế nào? Thứ hai là quy định bắt buộc các cơ quan có giao dịch hành chính công thực hiện khảo sát mức độ hài lòng thường xuyên và phải công bố công khai, minh bạch.”

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo thiết kế các quy định để khắc phục tư duy “biên chế suốt đời”. Do đó cần thực hiện đánh giá cán bộ trên cơ sở vị trí việc làm, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin- đây cũng là xu thế nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Để đánh giá hiệu quả, việc đo lường và xây dựng bộ tiêu chí KPI cần gắn liền với vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Mỗi cán bộ, công chức phải có bản mô tả công việc rõ ràng, từ đó xác lập các chỉ số đo lường phù hợp. Có như vậy, việc đánh giá năng lực cán bộ có thể tránh được việc "chạy" KPI hình thức, đối phó.
Bình luận