Tại toạ đàm, các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế khẳng định, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Từ thực tiễn hoạt động của kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ rõ ba nguyên nhân lớn, đó là: do nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vai trò của kinh tế tư nhân; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, tiềm lực hạn chế, chưa thực sự trở thành lực lượng đủ mạnh. Do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, PGS.TS Trần Quốc Toản nêu ý kiến:" Để phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 có rất nhiều vấn đề xử lý từ nhận thức quan điểm, cơ chế, chính sách, cần kiên quyết loại bỏ bớt các thủ tục hành chính không phù hợp, giảm thiểu các thủ tục rườm rà gây cản trở và xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, có đạo đức, bởi nếu không xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với thế giới. Cần đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành lớp doanh nhân mới, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển kinh tế tư nhân từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững trong giai đoạn mới"
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để kinh tế tư nhân phát triển theo đúng chủ trương của Nghị quyết 68, rất cần sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, nhất là nguồn tài chính để đầu tư cho khoa học - công nghệ. Chính phủ cần đóng vai trò chủ lực trong hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; tầm nhìn đến năm 2045 ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP…
Các đại biểu cũng kiến nghị cần khơi thông nguồn vốn một cách thực chất và hiệu quả cho kinh tế tư nhân; phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn. Cùng với đó, cần mạnh dạn "giao việc", trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ…
Ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng:"Cần phải mạnh dạn giao việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân. Không nên để các tập đoàn lớn chi phối hết cơ hội, bởi nếu các doanh nghiệp nhỏ, nhất là ở địa phương, không được trao cơ hội, thì sau này đất nước sẽ thiếu vắng lực lượng thực thi dự án quan trọng. Cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để doanh nghiệp tạo ra đột phá, bứt khỏi “vùng an toàn”. Nếu thiếu tinh thần này, nền kinh tế sẽ thiếu động lực đổi mới"./.
Nguyễn Hằng- VOV1.