Với sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới. Đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số.
Hồi hộp đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia để đăng ký khai sinh cho con, chị Hoàng Thu Trang, ở Phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội rất bất ngờ khi chỉ trong tích tắc đã hoàn tất các phần việc mà thông thường phải đi đến nhiều cơ quan, kê khai hồ sơ nhiều lần.
Còn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk, tất cả hồ sơ TTHC được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm đều được thực hiện qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh và phần mềm chuyên ngành. Anh Lương Trung Thành ở huyện Ea Hleo cho biết: chỉ mất khoảng 5 phút với các bước đơn giản, anh đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để xin cấp đổi mới giấy phép lái xe.
Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023; Cổng DVC quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên, nước ta được xếp vào nhóm chỉ số Chính phủ điện tử ở mức rất cao, tăng 15 bậc so với năm 2022, đứng thứ 71 trên 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 đạt trung bình là 83,94%. Trong đó, Mức độ hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công năm 2024 đạt 84,09%. Hiện Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã đưa thành công 45 dịch vụ công thiết yếu lên môi trường trực tuyến.
Số hóa dịch vụ công là một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ trong tiến trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Chính phủ cũng đặt mục tiêu hết năm nay 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hết tháng 6, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; đến ngày 30 tháng 6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Để hoàn thành những mục tiêu này, cuối tháng 2, Văn phòng Chính có Thông báo kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024. Trong đó đề ra yêu cầu, chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động - phục vụ"; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Đồng thời, phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số.
Bình luận