Chính quyền địa phương 2 cấp: Cuộc cải cách lịch sử, toàn diện, kiến tạo sâu sắc.
VOV1 - Chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp là một cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ công, mà quan trọng hơn là mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Chủ trương sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, và tiếp tục sáp nhập các xã của Trung ương nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả cán bộ công chức viên chức trong bộ máy nhà nước và của người dân. Bởi đây là cuộc cách mạng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

“Thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp - đây là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện, mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.” Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại nghị trường Quốc hội khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, có nhiều đột phá đáng ghi nhận như chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị, kiến tạo và phục vụ; từ phân công hành chính sang phân cấp, phân quyền, trao quyền rõ ràng, thực chất; từ bộ máy hành chính địa phương cồng kềnh, nhiều tầng nấc, sang hệ thống hành chính địa phương tinh gọn, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

 

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng khẳng định: “Sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, bao gồm việc bỏ cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là những quyết sách to lớn, mang tầm chiến lược quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, quyết định cho sự phát triển đột phá của dân tộc trước kỷ nguyên mới. Đây là việc làm ích nước, lợi nhà.”

Theo phân cấp như dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện chuyển giao về cho cấp xã, 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh. Vì vậy đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long kiến nghị: "Cân nhắc bổ sung các điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền của trung ương cho chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp khi được phân cấp thực hiện nhiệm vụ song song với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp và quy định việc giám sát của người dân, các tổ chức và giữa các cấp.”

Việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể tạo ra khoảng trống tạm thời trong quản trị địa phương do thay đổi thói quen, trình tự làm việc và báo cáo hành chính. Tuy nhiên, khi bộ máy vận hành ổn định, đội ngũ cán bộ, công chức hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Cán bộ phải được sắp xếp vào vị trí phù hợp với năng lực của họ. Việc cơ cấu hợp lý không chỉ giúp bộ máy vận hành trơn tru mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một bộ máy tinh gọn nhưng mạnh mẽ sẽ tạo ra sự chuyển đổi bền vững, đảm bảo hiệu suất cao trong hệ thống hành chính.”

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận