Thông qua trò chơi nối từ, các em học sinh trường Trung học Vinschool Times City đã hiểu vì sao Hoàng Sa có tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng, vì sao có đảo nổi, đảo chìm, cuộc sống trên đảo Trường Sa như thế nào, chương trình học của các học sinh trên đảo có gì khác…
Một chấm nhỏ giống như bọt nước là đảo thuyền chài – đảo chìm để lại ấn tượng sâu sắc với nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chỉ một câu khái quát “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết” nhà thơ kể về hòn đảo nhỏ bé chỉ như một “vũng cát mặn lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến”. Đảo “là cái dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt”. Ấn tượng lớn nhất với em Phạm Gia Hân, học sinh lớp 7A6 là những dải cát vàng ở Trường Sa: "Hôm nay nghe các bác kể con nhớ nhất là cát ở Trường Sa thực chất là san hô tan ra nên rất sắc, phải đi giày không thì sẽ bị chảy máu chân. Ở Trường Sa chim ở đây rất rạn người nên sẽ đến đậu lên vai mình."
Trong khi nhà thơ Trần Đăng Khoa dùng ngôn ngữ thơ để kể chuyện và khắc hoạ từng nhân vật trên đảo chìm thì nhà báo Nguyễn Mỹ Trà lại kể chuyện bằng tranh và nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ lại đính kèm những mẩu chuyện hài hước về những người lính trẻ ông đã gặp trong hành trình tới Trường Sa đã khắc hoạ trong cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Qua những câu chuyện của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn Trường Sa gần hơn với học sinh thủ đô: "Giới thiệu về Trường Sa là điều các em học sinh cần được biết. Đó là vùng đất thiêng liêng của tổ quốc chúng ta, và đây cũng là vấn đề chủ quyền rất quan trọng, rất nóng bỏng hiện nay, chắc chắn là không bao giờ nguôi nóng. Ngoài văn ngoài ảnh, chúng tôi giới thiệu về các quần đảo cho các em. Các em cần phải biết về vùng lãnh thổ của tổ quốc mình."
Trường Sa trong cảm nhận của nhà báo Mỹ Trà rất đỗi trong trẻo và tráng lệ như một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, một cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Nhưng bên cạnh đó là cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da của người lính đảo, là cảm xúc nhớ đất liền và nhớ về những người đã ngã xuống. Và nổi bật hơn hết, đằm sâu hơn hết, yêu thương vô hạn, ấy là gương mặt, ánh mắt, nụ cười, nước da sạm đen, rắn rỏi, cương nghị, hồn nhiên của những người giữ biển là bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, nhà giàn Dk1, ngư dân... và cả những công dân “nhí” của Trường Sa. "Mình muốn kể về các bạn nhỏ, những người lính nhỏ ở Trường Sa. Ở trên đảo tất cả các bạn học sinh đều học một hoặc hai người thầy thôi, tất cả đều học như nhau và không được học tiếng Anh. Mình muốn kể về những bạn nhỏ ở đảo rất giỏi, luôn ao ước được học những giáo trình tốt như các bạn ở đây là điều rất khó khăn. Mình muốn các em học sinh hiểu được rằng có thể nối một sợi dây tình cảm bằng các lá thư động viên nhau. Mình luôn hy vọng có thể giới thiệu tới các bạn một mảnh đất vô cùng đẹp của đất nước."
Thông qua những câu chuyện kể sinh động, các em học sinh tìm thấy nhiều cung bậc cảm xúc về biển đảo quê hương dù chưa từng đặt chân đến, từ vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ đến những cảm xúc nhẹ nhàng của một cuộc sống thanh bình trên đảo. Em Hoàng Thị Minh Thư, học sinh lớp 10A3 trường Trung học Vinschool cho biết, em ước mong được một ngày ra thăm quần đảo Trường Sa: "Qua lời kể của các cô các bác con hiểu hơn về cuộc sống của người dân trên đảo, các hoạt động thường ngày trên đảo. Con thấy được khung cảnh ở Trường Sa không chỉ đẹp mà còn rất thanh bình. Con còn biết được cách các bạn học sinh nơi ấy đang nỗ lực mỗi ngày ra sao để học tập và rèn luyện."
Những câu chuyện về đảo về người vẫn sẽ được tiếp nối ở nơi này hay nơi khác, theo những cách khác nhau bởi vượt qua trùng trùng lớp sóng bạc, tình cảm yêu thương luôn gắn kết đất liền với hải đảo xa xôi./.
Bình luận