
Trên đường hành quân vào nam chiến đấu, ông đã ghi lại nhật ký hành quân bằng những bài thơ tiếng Tày, sau này được in thành tập thơ “Khửn tàng tức slấc” (Lên đường đánh giặc). Mỗi bài thơ không chỉ là một câu chuyện, một kỷ niệm trên chặng đường hành quân mà còn cho thấy ý chí, sự quyết tâm và những đóng góp to lớn của đồng bào Việt Bắc cho ngày toàn thắng của dân tộc.
Ở tuổi 97, cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng vẫn nhớ từng câu trong tập thơ "Khửn tàng tức slấc" (Lên đường đánh giặc), tập thơ được ông viết bằng tiếng Tày trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Ông Thưởng kể rằng: cuối năm 1967, Tiểu đoàn 68A Bắc Thái (chủ yếu là các chàng trai dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc) bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn, qua đất Lào đến chiến trường Tây Nguyên với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ. 36 bài thơ bằng tiếng Tày lần lượt ra đời như cuốn nhật ký, cũng là nguồn động viên tinh thần các chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi khi đó. Ở bài thơ "Đi tòng quân", ông Thưởng viết: “Anh đi làm trọn nghĩa nước non/ Em ở nhà vẹn tròn chữ hiếu/ Mọi việc em sẽ liệu chu toàn/ Tiễn anh vào miền Nam đánh giặc/ Hòa bình về ta sẽ chắp lứa đôi”...
Từng lời thơ của ông đã thể hiện khí thế sục sôi của những chàng trai sẵn sàng gác lại tình riêng, lên đường làm nhiệm vụ để Bắc - Nam sum họp một nhà. Cựu chiến binh Hoàng Văn Thụ (dân tộc Tày, từng tham gia Tiểu đoàn 68A Bắc Thái) chia sẻ: Với người lính vượt Trường Sơn năm ấy, mỗi bài thơ của ông Thưởng cũng chính là một phần ký ức. “Tiểu đoàn 68A là của Bắc Thái nên có khoảng 80% là người Tày. Đúng là một đời hành quân, suốt 3 tháng 15 ngày đã được miêu tả, nêu được hết từ ngoài Bắc vào đến chiến trường. Các bài thơ ông (Thưởng) viết cũng như thấy hình bóng mình trong đó, với chúng tôi đó là kỷ niệm của cuộc đời”

Trên đường hành quân, từng bước chân đi qua những bản làng, cung đường, những người lính trẻ trong Tiểu đoàn 68A Bắc Thái đều cảm thấy gần gũi, thân thương như trên chính nơi mình sinh ra. Ông Thưởng kể rằng, lạ với tên đất, tên làng nhưng lại thật quen bởi ở đâu, đoàn quân cũng đón nhận tình cảm ấm áp, chở che của đồng bào. Có lẽ cảm xúc nhất, nhiều kỷ niệm nhất, ấn tượng nhất với những người lính dân tộc Tày là chặng đường vượt dãy Trường Sơn của đoàn quân ra trận. Ông ghi lại những khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng tinh thần của các chiến sĩ không hề nao núng, chùn chân; thêm vào đó là ý chí, nghị lực, pha chút hóm hỉnh, chút ngang tàng của những chàng trai trẻ:
“Mồ hôi ướt áo quần, khắc ráo
Chân dặm trường, hết nhão lại thôi
Vai đeo nặng, mỏi rồi quen đoạn
Uống hết nước suối cạn rừng già
Thức ăn hết, sông suối vẫn còn
Núi này hết, đến non lại có…”
Cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng tiếp tục dòng hồi ức bằng câu chuyện thời điểm tháng 3/1968. Lúc đó Tiểu đoàn 68A Bắc Thái đến điểm cuối chặng hành quân là khu vực ngã ba biên giới thuộc tỉnh Kon Tum. Từ đây, những chàng trai Việt Bắc được chia về các đơn vị chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khi đó ông Hà Thiêm Thưởng được trở ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, và trong hành trang của ông có thêm bản thảo tập nhật ký thơ "Khửn tàng tức slấc - Lên đường đánh giặc".
"Với tập thơ này, từ khi khi đoàn quân bắt đầu lên đường tôi đã nghĩ và có cảm xúc, cảm xúc từ khi nghe tiếng gà gáy chia tay Việt Bắc, rồi đến khi gặp những bản làng người Kinh, gặp đồng bằng và lên dãy Trường Sơn. Vượt Trường Sơn đầy hiểm nguy, gian khó, vất vả nhưng đoàn quân không không lùi bước, quyết tâm vượt qua để đến chiến trường, nên tôi đã cảm xúc và ghi lại hành trình bằng những câu thơ của mình"
Trong cuộc trường chinh của dân tộc, hàng vạn người con các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao… vùng Việt Bắc đã lên đường, vượt dãy Trường Sơn theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã góp sức mình làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tập thơ “Khửn tàng tức slấc” (lên đường đánh giặc) của Cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng đã được nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành năm 2009 và có 2 lần tái bản bằng song ngữ Tày- Việt. Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn, người biên soạn và viết lời tựa cho tập thơ nói: “Ngôn ngữ trong bản thảo tiếng Tày rất sinh động, phong phú. Phong phú về hình ảnh, về từ ngữ, có tính nghệ thuật, hấp dẫn người đọc. Chính yếu tố đó nên khi tiếp xúc tác phẩm, tôi đã giúp tác giả biên soạn và xuất bản. Tôi thấy rằng đây là cuốn sách rất tốt, có giá trị, đóng góp cho kho tàng văn học kháng chiến cũng như nền văn học đất nước…”

Năm 2014, Cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng mới có dịp trở lại chiến trường theo con đường hành quân năm xưa. Ông đến thăm lại làng Hiền Lệ, thăm lại xứ Thanh, xứ Nghệ, ngắm dãy Trường Sơn hùng vĩ và lần nữa đặt chân lên miền đất Tây Nguyên, nơi có nhiều đồng đội của ông nằm lại. Với Cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng và những người lính 68A Bắc Thái khi đó, tập nhật ký bằng thơ Lên đường đánh giặc (Khửn tàng tức slấc) là một phần ký ức tuổi thanh xuân; là niềm vinh dự, tự hào về những đóng góp của bà con các dân tộc ở Việt Bắc cho chiến trường miền Nam, để làm lên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cho ngày toàn thắng của dân tộc khi non sông thu về một mối.
Công Luận/VOV Đông Bắc
Bình luận