Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn cho biết, khi vào biển Đông bão số 3 đã liên tục tăng cường độ duy trì cấp 11, 12 trong thời gian dài nhờ điều kiện thuận lợi về khí quyển và nguồn ẩm. Khi tiếp cận vùng biển và ven bờ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, do tác động của ma sát địa hình, bão đã suy yếu 3 cấp, hiện còn ở mức cấp 9-10. Dự báo, từ chiều tối đến đêm nay, khi tiến vào vịnh Bắc Bộ, bão có khả năng lại mạnh thêm 1–2 cấp do được bổ sung năng lượng từ nguồn ẩm.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, đến trưa ngày mai 22/7, bão số 3 sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền nước ta, trọng tâm là các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa. Với hoàn lưu rộng, khu vực Vịnh Bắc Bộ đã có mưa kéo dài, trên đất liền cũng đã có mưa gián đoạn do ảnh hưởng rìa xa của bão. Từ trưa và chiều nay, gió và mưa sẽ tiếp tục mạnh lên. "Chúng tôi nhận định vùng tâm bão của cơn bão số 3 sẽ rơi vào khoảng thời gian từ 10h sáng mai cho đến khoảng 15h chiều mai" ông Khiêm nhận định. Đây cũng có thể là khoảng thời gian mà vùng đất liền các khu vực từ nam Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa sẽ có gió mạnh, gió nguy hiểm nhất.
Cũng theo ông Mai Văn Khiêm, mưa to diện rộng từ đêm nay đến sáng ngày 23/7, trong tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn Bắc bộ, Cục Khí tượng Thuỷ văn lưu ý, sau khi bão đổ bộ vào thì có nguy cơ mưa bất thường sau bão, đặc biệt là vẫn còn những vùng mà có dải hội tụ tạo ra hoàn lưu cơn bão để lại có thể gây mưa bất thường. "Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật theo dõi" ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo bão từ các kênh chính thống như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Truyền hình, Đài phát thanh địa phương, ứng dụng thời tiết hoặc loa truyền thanh phường/xã. Gia cố nhà cửa, chằng chống mái tôn, cửa sổ, chặt tỉa cành cây gần nhà, thu dọn đồ vật có thể bị gió cuốn; Dự trữ nhu yếu phẩm, thuốc men, đèn pin, sạc dự phòng... đề phòng khi mất điện hoặc phải sơ tán; Không ra khỏi nhà khi có gió mạnh, mưa lớn, sấm sét, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập sâu, ao hồ, công trình xây dựng; Di chuyển an toàn, không đi qua ngầm tràn, khu vực ngập lụt hoặc có điện giật khi mưa bão xảy ra; Tuân thủ nghiêm hướng dẫn sơ tán, di dời của chính quyền địa phương.

Đối với ngư dân và người dân ven biển: tuyệt đối không ra khơi hoặc hoạt động trên biển trong thời gian bão ảnh hưởng. Chủ động neo đậu tàu thuyền an toàn, tránh va đập; Di chuyển tàu thuyền vào nơi trú ẩn trước thời điểm gió mạnh xảy ra, theo hướng dẫn của lực lượng biên phòng và địa phương; Ngắt toàn bộ nguồn điện tại các lồng bè, chòi canh trên biển hoặc ven sông, cửa biển; Không ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè trong thời gian có bão, kể cả đã neo đậu an toàn; Rút ngắn thời gian thu hoạch hải sản (nếu có) để giảm thiểu thiệt hại khi bão đến.
Quang Huy
Bình luận