Thắp sáng hành trình học tập suốt đời từ ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Thưa quý vị và các bạn! Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 12/5, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”. Sự kiện không chỉ là dịp ôn lại tư tưởng giáo dục sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn khẳng định giá trị thời đại và tính ứng dụng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay. Giáo dục không chỉ là tri thức, mà còn là đạo đức, nhân cách và trách nhiệm công dân. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà những giá trị truyền thống của Người thực sự là nền tảng, là kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam – đó là triết lý một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, đó là tầm nhìn một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những công dân hữu ích, đó là phương châm nếu không chịu học thì sẽ không tiến bộ được"

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết đã được các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục trình bày, làm sáng rõ tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh dưới góc nhìn học thuật và thực tiễn triển khai. GS.TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục nhấn mạnh: "Dạy và học phải thiết thực, phải phù hợp với từng đối tượng, học phải đi đôi với hành. Tránh lý thuyết, lý luận suông, hoặc chỉ chú trọng lý luận thực tiễn mà xem nhẹ lý luận. Trang bị cho người học tri thức, kỹ năng giải quyết những yêu cầu của công việc thực tế. Những nội dung ấy thực chất là nói về một nền giáo dục kiến tạo. Bác không dung khái niệm kiến tạo nhưng những lời Bác dạy chính là nói về một nền giáo dục kiến tạo"
Ở góc độ địa phương, ThS. Bạch Đằng Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang – chia sẻ kinh nghiệm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng xã hội học tập và khuyến học cộng đồng: "Để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm khơi dậy tinh thần hiếu học trong mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta cần triển khai các giải pháp đồng bộ, thứ nhất là nâng cao ý thức công dân về việc học tập suốt đời, cán bộ đảng viên nêu gương tự học vài học suốt đời. Thứ 2 là hoàn thiện hệ thống giáo dục mở. Thứ 3 là đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Thứ 4 là phát triển hạ tầng công nghệ số"
Từ nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đề xuất những định hướng nhằm xây dựng một nền giáo dục nhân văn, khai phóng, phát triển toàn diện con người và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.

Bình luận