Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 (bao gồm các năm 2024 kéo dài sang) do các sở, ngành thuộc UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện là hơn 128 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 75 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 53 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2025, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Quảng Nam mới giải ngân hơn 11,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9%; trong đó vốn đầu tư giải ngân hơn 10,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15%; vốn sự nghiệp giải ngân 537 triệu đồng, đạt 1%. Riêng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì tỷ lệ giải ngân là 0%; Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới giải ngân được 2%.

Hiện một số dự án thành phần thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có đối tượng hỗ trợ quá ít. Nhiều dự án các đối tượng không có nhu cầu hỗ trợ nên các địa phương đề xuất nhu cầu phân bổ thấp hơn so với phân bổ chi tiết theo tiêu chí, định mức theo quy định. Ngoài ra, sau sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đơn vị không có căn cứ để đề xuất phân bổ vốn. Các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có nguồn vốn lớn nhưng nguồn vốn này được phân bổ thành nhiều tiểu dự án nhỏ nên quá trình thực hiện thủ tục triển khai dự án mất nhiều thời gian.

Nguồn vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia dù thấp hơn nhiều so với vốn đầu tư phát triển nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp do vướng mắc từ các quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu. Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc điều hành của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và lãnh đạo các sở, ngành chưa quyết liệt, chưa thấy rõ trách nhiệm của mình mà chỉ giao nhiệm vụ cho một số ít cán bộ thực hiện nhiệm vụ dẫn đến tiến độ giải ngân không đạt yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc chuyển nguồn để sớm triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là nguồn vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2025.
“Tại sao cùng một cơ chế mà nơi này làm tốt nhưng nơi khác lại làm không được? Nguyên nhân do cách chỉ đạo điều hành, trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi đó. Việc này bắt buộc phải thực hiện cho đến nơi đến chốn, phân định rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Tỉnh sẽ điều chuyển nguồn vốn từ tiểu dự án này sang tiểu dự án khác, thậm chí có thể điều chuyển vốn từ huyện này sang huyện khác. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc trả nguồn vốn, điều chuyển nguồn vốn thì phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan”./.
Long Phi/VOV Miền Trung
Bình luận