Dưới nắng ấm những ngày tháng Tư, cầu Hiền Lương in bóng dưới dòng sông lịch sử Bến Hải, như gạch nối giữa hai bờ thời gian. Những bước chân chầm chậm trên cầu, dừng lại nơi vạch sơn trắng, lặng im, chạm vào ký ức chiến tranh…

Cựu chiến binh Trần Văn Hà, 70 tuổi cùng Đoàn Hội cựu chiến binh khoảng 80 người ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội bồi hồi xúc động khi đặt chân lên vạch sơn trắng chia đôi mặt cầu Hiền Lương: “Khi đặt chân đến đây, mình cảm thấy lâng lâng trong lòng. Bây giờ hai miền thống nhất rồi thấy khác trước rất nhiều. Lúc nhỏ mình thấy bị chia cắt, cảm thấy rất đau đớn, còn bây giờ thấy xúc động. Chúng ta đang sống trong những ngày hòa bình, sắp đến ngày 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, không thể tả hết những xúc động của mình”.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải thuộc địa phận thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị dài gần 183m. Cầu gồm 7 nhịp, mỗi nhịp dài gần 20m, sàn lát gỗ lim. Bờ bắc có 450 tấm ván gỗ, bờ nam gồm 444 tấm. Thành cầu phía bắc sơn màu xanh và màu vàng phía nam, vạch sơn trắng chia đôi mặt sàn cầu. Cầu Hiền Lương từng là biểu tượng về biên giới chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc dọc theo vĩ tuyến 17 trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975. Cây cầu gắn liền với các cuộc đấu tranh tâm lý – chính trị giữa hai miền…

Từ một vùng đất từng hứng chịu bao tang thương, mất mát trong chiến tranh, Hiền Lương – Bến Hải hôm nay trở thành một dấu ấn đặc biệt trong bản đồ du lịch hòa bình của Việt Nam với nhiều di tích lịch sử. Bến Hải đi vào lịch sử là dòng sông ranh giới quân sự tạm thời sau Hiệp định Genève 1954. Dòng sông này chứng kiến nhiều cuộc giao tranh và đấu tranh hòa bình của nhân dân hai miền. Kỳ đài Hiền Lương (Cột cờ Hiền Lương) là biểu tượng thiêng liêng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời chiến, cao khoảng 38,6m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Nhà Liên hiệp Hiền Lương, nơi diễn ra các cuộc hội đàm, trao đổi giữa hai miền Bắc – Nam dưới sự giám sát quốc tế, minh chứng cho các nỗ lực hòa bình trong thời kỳ chia cắt. Khu trưng bày tại đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải bao gồm các phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu…, tái hiện sinh động cuộc sống, đấu tranh và ký ức của người dân hai miền. Làng Vĩ tuyến 17 và khu dân cư đôi bờ với di tích gắn với đời sống nhân dân thời kỳ chia cắt, ghi dấu những hoạt động “vượt tuyến”, tình cảm Bắc – Nam không thể chia lìa…

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từ lâu trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của bao thế hệ người dân, du khách khi về vùng đất thiêng Quảng Trị. Nơi đây trở thành gạch nối đôi bờ thời gian, gợi nên bao niềm ký ức. Bà Lê Thị Tố Hoài, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cùng cho biết: "So với những năm trước, dịp tháng Tư năm nay lượng khách tăng rất nhiều, có những ngày lên đến cả ngàn khách".

Còn đó những nỗi đau không thể xóa mờ nơi đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Nhưng cũng từ đây, mọi người càng nhận rõ hơn về giá trị hòa bình. Những bước chân tìm về Hiền Lương - Bến Hải đều mang theo khát vọng hòa bình cùng niềm vui thống nhất non sông./.
Vinh Thông/VOV Miền Trung
Bình luận