Hàn Quốc cần 3.300 lao động Việt Nam theo chương trình EPS giai đoạn 2025-2026
VOV1 - Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội Vụ) cho biết: Hàn Quốc đã bổ sung 3.300 chỉ tiêu tuyển dụng lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và nông nghiệp sang làm việc theo Chương trình EPS giai đoạn 2025-2026. Phóng viên Hà Nam thông tin:

 

 

Về chỉ tiêu lao động cụ thể đối với ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp mà phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam đợt này, ông Phùng Quang Trọng, trưởng phòng tuyển chọn lao động, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Nội Vụ) cho biết:

          "Theo yêu cầu và đề nghị của Bộ việc làm và lao động Hàn Quốc thì Bộ đã đồng ý cho Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với các Sở Nội vụ để tổ chức, tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp. Trong đợt này, dự kiến tuyển chọn 3.300 người, làm hồ sơ giới thiệu cho các doanh nghiệp sử dụng lao động Hàn Quốc. Trong đó 3.000 lao động trong ngành sản xuất chế tạo và 300 người ngành nông nghiệp"

           Người lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS sẽ phải trải qua hai vòng thi. Vòng 1 là kỳ thi năng lực tiếng Hàn trên máy tính, diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 27/6/2025. Vòng thi thứ 2 gồm kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, diễn ra từ ngày 4 đến 10/7/2025. Chỉ những người đạt yêu cầu qua vòng 1 mới được tham dự vòng 2. Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Lao động trúng tuyển sẽ được lấy theo tiêu chí xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu và không có tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp gian lận tại Kỳ thi này. Ông Phùng Quang Trọng, trưởng phòng tuyển chọn lao động, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Nội Vụ) cho biết thêm:

          "Trong thời gian qua, Trung tâm luôn quan tâm đến việc phòng ngừa, phòng chống các hành vi tiêu cực trong việc triển khai Chương trinh EPS. Trong đó, việc phòng ngừa các hành vi tiêu cực trong quá trình tổ chức kỳ thi là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Để phòng ngừa và phóng chống các hành vi này, chúng tôi đã triển khai các biện pháp. Thứ nhất là Trung tâm có sử dụng máy quét căn cước công dân. Theo đó, người lao động tham gia dự thi có sử dụng căn cước công dân có gắn chíp và hệ thống phần mềm sẽ đối chiếu khuôn mặt của người lao động và hệ thống thông tin trong chíp dữ liệu được đối khới với nhau thì người lao động mới được làm các thủ tục tiếp theo. Trong phòng thi thì phía HRD Korea cũng có gắn camera quan sát theo dõi và trong phòng thi chỉ sử dụng giám thị của Hàn Quốc. Người lao động làm bài thi trên hệ thống phần mềm trên máy tính và sau khi kết thúc bài thi có kết quả ngay. Vì vậy có thể nói quy trình và phương pháp tổ chức của chúng tôi sẽ không có cô hội cho các hành vi gian lận"

           Người lao động muốn dự thi chương trình phải trong độ tuổi 18 đến 39, không có án tích, chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh tại Việt Nam, cấm nhập cảnh Hàn Quốc, không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; sức khỏe phải đảm bảo, không mắc các bệnh ảnh hưởng đến khả năng lao động như mù màu, rối loạn sắc giác. Nếu từng cư trú tại Hàn Quốc theo visa E9 (lao động EPS), người lao động phải có tổng thời gian cư trú không được vượt quá 5 năm, bao gồm cả trường hợp hợp pháp và bất hợp pháp.

          Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (EPS) bắt đầu triển khai từ năm 2004 dành cho đối tượng lao động phổ thông (visa E9).

          Qua hơn 20 năm triển khai chương trình, Việt Nam đã đưa được hơn 140 nghìn lượt lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu trong số 16 quốc gia phái cử đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này. Sang Hàn Quốc làm việc, người lao động được hưởng mức lương tối thiểu là 2.060.740 won/người/tháng (tương đương khoảng 36 triệu đồng/người/tháng), chưa bao gồm tiền làm thêm giờ./.

Hà Nam-VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận