Phóng viên: Thưa ông, Cục Thủy lợi nhận định như thế nào về diễn biến của xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Dự báo từ nay cho đến hết mùa khô sẽ từ 3 đến 4 đợt xâm nhập mặn ở mức cao (tùy cửa sông). Cụ thể đợt xâm nhập mặn từ ngày 24/2 cho đến ngày 14/3; từ ngày 11/3 cho đến ngày 15/3 và từ ngày 30/3 đến ngày 2/4. Riêng các cửa sông ở Vàm Cỏ có thêm đợt xâm nhập mặn từ ngày 10 đến 13/4. Cụ thể, từ ngày 24/2 đến ngày 4/3 xâm nhập mặn bắt đầu tăng với xu hướng dự báo với ranh mặn 4 gram/lít là lớn nhất. Ở các vùng cửa sông Cửu Long xâm nhập mặn vào sâu khoảng từ 45 cho đến 62 km và khả năng đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô, hay nói cách khác đây là thời gian “đỉnh mặn” ở các vùng cửa sông Cửu Long. Ở vùng các sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn sẽ vào sâu từ 65 km đến 70 km. Từ giữa tháng 3 cho đến hết mùa khô vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn một số đợt xâm nhập mặn giữa tháng 3 và đầu tháng 4, trong trường hợp không có bất thường về nguồn nước thượng lưu về thì các đợt xâm nhập mặn này sẽ vào sâu thấp hơn so với cái đợt xâm nhập mặn từ ngày 24/2 đến mùng 4/3.
Phóng viên: So với các đợt xâm nhập mặn trước đây, xâm nhập mặn năm nay có đặc điểm gì đáng lưu ý, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo hiện trạng và thông tin dự báo đợt xâm nhập mặn của mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên sẽ thấp hơn xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 và cũng thấp hơn khá nhiều so với những đợt xâm nhập mặn lịch sử đã xảy ra. Với mức xâm nhập mặn như vậy ít có khả năng xảy ra thiệt hại thiếu nước như tình trạng đã xảy ra trước đây. Tuy xâm nhập mặn khá cao, tuy nhiên, với sự chủ động trong dự báo và các giải pháp ứng phó cho nên chúng tôi đánh giá, năm nay xâm nhập mặn sẽ không gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống dân sinh.
Phóng viên: Chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn, Cục Thủy lợi lưu ý như thế nào đối với các địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo văn bản 1246 của Bộ Nông nghiệp báo triển nông thôn, đề nghị các địa phương tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành về khí tượng thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp. Cụ thể, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam theo nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao đang cung cấp những bản tin dự báo nguồn nước xâm nhập mặn hàng tuần và khi có tình huống đột xuất thì các bản tin này có thể cung cấp đầy đủ những thông tin làm cơ sở, tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thủy lợi để lấy, trữ nước ngọt tối đa trong các hệ thống kênh, mương, ao hồ, khu trũng. Lưu úy tại các vùng cây ăn trái bảo đảm tích trữ lượng nước để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đối với người dân phải đo độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng. Đối với nước sinh hoạt phải khẩn trương xác định cụ thể các khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân và hỗ trợ người dân, tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước để phục vụ sinh hoạt và tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Bình luận