Đại lễ Vesak 2025 - nguồn cảm hứng lớn kiến tạo một thế giới hòa bình
VOV1 - Sáng 8/5, Lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2025 đã diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).

 

Với sự tham gia của trên 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hợp quốc, hơn 1.350 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn tăng ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi, Đại lễ Vesak năm nay được tổ chức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo – văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc.

Hàng triệu lượt Phật tử và nhân dân cả nước thành kính chiêm bái xá lợi Đức Phật Thích Ca, bảo vật quốc gia của Ấn Độ, với hành trình thiêng liêng kéo dài đến ngày 21/5. Song song đó, trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức, quốc bảo thiêng liêng của Việt Nam cũng đã được cung thỉnh long trọng, an vị để công chúng chiêm bái từ ngày 6/5. Đây là hai sự kiện mang dấu ấn lịch sử và tâm linh thiêng liêng nhất của Vesak năm nay.

Các hoạt động văn hóa của Đại lễ Vesak 2025 như Lễ thượng cờ Phật giáo 500m² và 108 quốc kỳ các nước; lễ hoa đăng với 37.000 đóa sen lung linh; triển lãm, trưng bày 87 bảo vật quốc gia, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo, góp phần làm sáng tỏ vai trò của văn hóa Phật giáo trong việc kết nối cộng đồng và nuôi dưỡng bản sắc dân tộc. Ngoài ra chương trình 3 đêm biểu diễn nghệ thuật quốc tế tại Công viên Láng Le từ ngày 3-5/5 để lại ấn tượng sâu sắc, giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Hội thảo quốc tế Vesak 2025 đã quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Qua đó khẳng định trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

Hai lễ cầu nguyện hòa bình thế giới được tổ chức long trọng, sâu sắc và đầy xúc cảm tại chùa Thanh Tâm và tại Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, gửi gắm ước nguyện về thế giới hòa bình, hòa hợp, bao dung để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết Đại lễ là dịp để Phật tử khắp thế giới cùng nhau kết nối, hun đúc tinh thần đoàn kết và phát huy các giá trị cao đẹp của Phật giáo, xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và hạnh phúc bền lâu. “Đại lễ Vesak năm nay đón nhận hơn 1.000 bài tham luận tập trung vào chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, đã một lần nữa khẳng định rằng, trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu”

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững: “Thành công của Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2025 là một  minh chứng khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu lớn lao của đất nước, con người Việt Nam. Đó là truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam; chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế. Khẳng định kết quả rõ rệt trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân đã được thể hiện bằng sự tham gia của hàng triệu lượt người trong các sự kiện của Đại lễ với tâm thế hoan hỷ, tin tưởng, linh thiêng và trật tự; Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu”

Chia sẻ tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết: "Trong năm 2025 Việt Nam sẽ miễn học phí cho trẻ em, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và làm nhà mới cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo (khoảng 223 ngàn căn nhà). Việt Nam cũng sẽ sớm có giải pháp để giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí cho người dân. Đức Phật từ bi luôn mong muốn, dõi theo, phù hộ và thúc giục chúng ta làm những việc phức đức, thiện lành như vậy".

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy Ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Phật đản Vesak LHQ 2025 đọc Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh Vesak LHQ 2025, gồm 6 điều, trong đó nhấn mạnh: “Trong tinh thần Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chúng tôi kêu gọi: Tất cả các quốc gia ưu tiên các chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế, thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức. Các tổ chức toàn cầu áp dụng các nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững. Các tổ chức quốc tế công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu. Cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia trong các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường”.

Ngọc Xuân/thường trú VOV tại TPHCM

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận