Nhận thức được giá trị to lớn của rừng đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững, Chương trình “Water of Life: Bảo tồn nguồn nước – Vì một Việt Nam xanh” là chương trình được thiết lập trên mô hình hợp tác công – tư trong lĩnh vực phát triển rừng bền vững giữa Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam từ năm 2024 với hoạt động trồng mới và chăm sóc rừng đầu nguồn.
Trong năm 2024, chương trình đã đạt được kết quả tích cực với 35ha rừng đầu nguồn được phủ xanh tại các tỉnh Bắc Kạn (cũ), Nghệ An và Cà Mau (cũ). Năm 2025, chương trình được nhân rộng với mục tiêu trồng 60ha rừng đầu nguồn tại các tỉnh Thái Nguyên (mới) và Long An (mới). "Là doanh nghiệp duy trì nhờ món quà quý giá từ thiên nhiên – nguồn nước, những thách thức này đã thôi thúc chúng tôi phải hành động. Từ 2021, chúng tôi đã tiên phong trong các hoạt động trồng rừng, và mở rộng quy mô vào năm 2024, khi chúng tôi vinh dự trở thành doanh nghiệp đầu tiên hợp tác công – tư với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong lĩnh vực phát triển rừng bền vững, thông qua chương trình Water of Life". Ông Ashish Joshi, Tổng Giám đốc Điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết.

Chương trình “Water of Life: Bảo tồn nguồn nước – Vì một Việt Nam xanh” được thiết kế hướng tới đa mục tiêu, bao gồm: bảo tồn nguồn nước, trung hòa khí các-bon và cải thiện sinh kế cộng đồng, với tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn trả cho thiên nhiên nhiều hơn lượng nước mà Suntory PepsiCo sử dụng trong toàn bộ hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Trọng tâm của mô hình được thiết kế gắn liền với người dân và chủ rừng địa phương, tập trung nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, qua đó người dân địa phương được trang bị kiến thức, hiểu rõ giá trị của rừng và có cơ hội cải thiện sinh kế một cách bền vững. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: "Sự tiếp cận của công ty Suntory PepsiCo Việt Nam rất toàn diện, dưới góc độ là khởi động sáng kiến ngày hôm nay Water of Life, dịch nghĩa rộng ra đó là nguồn nước là sự sống. Để bảo vệ nguồn nước thì phải có cách tiếp cận đa ngành bao gồm giáo dục các thế hệ tương lai, trồng rừng phục hồi để bảo vệ nguồn nước. Rừng có một tác dụng rất quan trọng trong ngăn chặn lũ lụt chống xói mòn và làm trong sạch nguồn nước. Chương trình thí điểm này thành công thì chúng tôi sẽ nhân rộng ra toàn quốc."

Không dừng ở các hoạt động trồng rừng, hiểu được việc bảo tồn nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên gắn liền với giáo dục, năm 2025, Chương trình ra mắt sáng kiến “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” – giáo dục môi trường gắn với thiên nhiên theo mô hình của Nhật Bản đầu tiên sẽ được triển khai tại Việt Nam. Sáng kiến kết hợp giữa trải nghiệm thực tế tại rừng và nội dung hoạt động giáo dục về tài nguyên nước, hệ sinh thái rừng và phát triển bền vững hướng đến học sinh và trẻ em.
Anh Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững, người sáng lập trải nghiệm thiên nhiên ở Việt Nam và đồng hành cùng sáng kiến “Trải nghiệm thiên nhiên cùng Mizuiku” chia sẻ: “Các bên sẽ cùng nhau chung tay để tạo ra một hệ thống gồm các thầy cô, các cán bộ kiểm lâm và các bạn trẻ yêu thiên nhiên, những người truyền cảm hứng để cùng nhau tập huấn, trao đổi, làm giàu các phương pháp, các hoạt động, trò chơi, đưa các em học sinh, các bạn trẻ vào thực tế ở các khu rừng khác nhau. Tương lai thì các khu rừng ở khắp Việt Nam sẽ là những ngôi trường nhỏ - những ngôi trường rừng để các bạn nhỏ kết nối, khám phá, và được trải nghiệm thực tế để yêu rừng hơn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.”

Mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục thông qua trải nghiệm cho học sinh ở các địa phương trên cả nước, thông qua đó tăng cường nhận thức về vai trò của rừng, thúc đẩy lối sống xanh, truyền cảm hứng và tình yêu cùng trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của các bạn trẻ. Dự kiến, mô hình sẽ thí điểm tại ba Vườn Quốc gia là Tam Đảo, Xuân Liên và Cát Tiên trong năm 2025 và nhân rộng ra cả nước trong các năm tiếp theo.
Hương Lan VOV1
Bình luận