Tháo gỡ vướng mắc khi triển khai bệnh án điện tử
VOV1 - Sau gần chục năm triển khai, đến nay, cả nước mới chỉ có 270 cơ sở y tế công bố hoàn thành bệnh án điện tử, chiếm tỷ lệ 15%. Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại hơn 1.500 cơ sở khám chữa bệnh còn lại?

Bệnh án điện tử là một trong những mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia, giúp người bệnh không phải lưu trữ phim chụp, không phải mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh và giảm được thời gian chờ đợi nhận kết quả xét nghiệm, chiếu chụp; Đồng thời giúp các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử một cách lưu động, đưa ra những chẩn đoán nhanh chóng, kịp thời, quản lý thông tin sức khỏe của người dân một cách liên tục, lâu dài.

Mặc dù lợi ích của bệnh án điện tử rất rõ ràng, nhưng đến thời điểm này, việc triển khai trên quy mô cả nước đang diễn ra chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Do đó, kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), vướng mắc lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị và phần mềm rất lớn, đặc biệt là với các bệnh viện cấp tỉnh và trung ương. Nhiều bệnh viện thiếu thiết bị, máy tính hoặc các thiết bị khám chữa bệnh không tương thích với phần mềm bệnh án điện tử, dẫn đến việc phải nhập liệu thủ công và làm chậm quá trình.

“Để triển khai bệnh án điện tử tại cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên cần không dưới 10 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn không phải một sớm một chiều có thể huy động được.”- Ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị công nghệ thông tin còn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tại nhiều cơ sở y tế. Ngoài ra, các yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin, phần mềm quản lý, hạ tầng kỹ thuật đều đòi hỏi đầu tư đồng bộ và dài hạn. Ông Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, do thiếu các quy định cụ thể về chi phí, giá thành khi triển khai bệnh án điện tử nên đã gây khó khăn cho các bệnh viện trong quá trình thanh toán bảo hiêm y tế.

“Thanh toán bảo hiểm y tế hay thanh toán từ người dân thì chưa có bất cứ quy định nào để kết cấu những chi phí đó vào giá dịch vụ. Đây là một hàng rào cần tháo gỡ càng sớm càng tốt thì mới có hành lang để thực hiện bệnh án điện tử."- Ông Phạm Văn Học thông tin.

Theo nhiều chuyên gia, tiến độ thực hiện bệnh án điện tử còn chậm cũng có nguyên nhân người đứng đầu cơ sở y tế chưa quyết tâm thực hiện, còn nặng tư duy giấy tờ, làm việc và kết quả thường quy chiếu về mẫu biểu giấy. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế ngại nhập dữ liệu, ngại thay đổi sang phần mềm khác.

Dữ liệu bệnh án điện tử được lưu trữ lâu dài, tối đa hơn 20 năm nên dữ liệu này phải độc lập với các hệ thống phần mềm khác nhau và không phụ thuộc vào nhà cung cấp. Nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể của Bộ Y tế về quy trình lưu trữ, khai thác, thống kê và quản lý bệnh án điện tử. Việc mã hoá, bảo mật bệnh án điện tử vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi nhà cung cấp dẫn đến việc các bệnh viện rất khó khăn khi phải tích hợp các phần mềm của nhiều nhà cung cấp khác nhau.

 Hiệu quả cao nhất của việc áp dụng bệnh án điện tử là liên thông kết quả xét nghiệm, chiếu chụp giữa các bệnh viện với nhau. Nhưng hiện nay, ngay cả việc kết xuất, liên thông dữ liệu đến cổng Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia vẫn chưa thông suốt, nhất là với những phần mềm cũ.

Bộ Y tế đặt mục tiêu chậm nhất ngày 30 tháng 9 năm 2025, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và chậm nhất cuối năm 2026, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có người bệnh điều trị nội trú, điều trị ban ngày và điều trị ngoại trú phải thực hiện được bệnh án điện tử./. 

Văn Hải/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận