# Theo RIA Novosti, một loại virus chưa rõ nguồn gốc đã xuất hiện ở Nga, triệu chứng bao gồm ho ra máu và sốt lên tới 39 độ, trong khi xét nghiệm COVID và cúm đều cho kết quả âm tính. Những người mắc virus lạ này ban đầu sẽ cảm thấy yếu và đau nhức cơ thể, chỉ sau vài ngày tình trạng xấu đi rất nhiều. Các bác sỹ vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và loại virus. Người đứng đầu văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga cảnh báo rằng có nguy cơ cao xảy ra đại dịch mới do vi sinh vật đột biến, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị ở cấp quốc gia và quốc tế.
# Mỗi năm có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV tại Việt Nam, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2070, khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do căn bệnh này. Thông tin được đưa ra tại chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/3, nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi phòng ngừa các bệnh lý và ung thư do virus HPV gây ra.
# Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm có đến 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém; khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu, đặc biệt là sự nguy hiểm của bụi mịn PM 2.5 vào phổi, qua đường dẫn khí sẽ đi sâu vào từng túi phổi gây viêm nhiễm đường hô hấp.
# Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác khoảng 42.000 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 4.000 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi. Cùng đó, tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi; bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khu vực cách ly của các khoa lâm sàng.
# Hà Nội vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc sởi là bé gái 4 tuổi, có tiền sử chưa tiêm vaccine phòng sởi và nhiều loại vaccine khác, các anh chị em của bệnh nhi cũng không được tiêm vaccine đầy đủ. Các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang tiếp nhận nhiều ca sởi nặng ở trẻ chưa được tiêm phòng do nhiều phụ huynh e ngại vaccine. PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, việc từ chối tiêm vaccine không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân người đó mà còn đe dọa đến cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.
# Một bé gái 7 tuổi tại Bắc Kạn không may tử vong sau gần 1 tháng bị chó nhà nuôi cắn vào tay ngày 3/3/2025 nhưng không được tiêm phòng dại kịp thời. Đến ngày 24/3/2025 cháu bé bị sốt liên tục, lúc nóng lúc lạnh, ăn uống kém, đau họng được chẩn đoán viêm amidan cấp. Đến chiều ngày 27/3/2025, trẻ xuất hiện cơn kích động, cào cấu, gào thét, sợ nước sợ gió, các triệu chứng nghi dại lên cơn rõ rệt hơn, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Sáng 28/3, cháu bé đã được gia đình xin đưa về nhà và tử vong khoảng 15h cùng ngày.
# Sau một tuần tự dùng thuốc trị cảm cúm tại nhà, nam thanh niên 28 tuổi bắt đầu có dấu hiệu vàng da, vàng mắt. Tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), kết quả xét nghiệm cho thấy men gan của bệnh nhân tăng cao gấp nhiều lần ngưỡng bình thường do sử dụng thuốc kéo dài nhưng không rõ thành phần. Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường, thay vì tự ý dùng thuốc để có phác đồ điều trị an toàn và hiệu quả.
# Bàng quang tăng hoạt hay hội chứng bàng quang kích thích ( gọi tắt là OAB) là một trong những căn bệnh phổ biến ở đường tiết niệu. Theo Hội Niệu học quốc tế, chính Bàng quang tăng hoạt (OAB) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn tiểu tiện ở mọi lứa tuổi. Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên bị kích thích và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, tạo cảm giác buồn đi tiểu liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm, có thể có kèm theo tình trạng tiểu són, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ). Bệnh này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống và công việc. Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị bàng quang hoạt động quá mức. Các lựa chọn có thể bao gồm sử dụng thuốc và không dùng thuốc để giảm triệu chứng và giảm sự thôi thúc đi tiểu nhiều.
Bình luận