# Bà Lê Hồng Nga – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ đầu dịch tới nay, thành phố có hơn 8.000 ca sởi tại TPHCM và hơn 12.000 ca sởi tới từ các tỉnh lân cận. Sởi tác động tới mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhóm trẻ từ 0-4 tuổi chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất. Hiện số ca mắc sởi tại TPHCM đang có xu hướng giảm mạnh, nhiều xã, phường đã đủ điều kiện và công bố hết dịch. Tuy nhiên, tới kiểm tra công tác thu dung điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị người dân và các bệnh viện không được chủ quan, lơ là bởi nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện vẫn còn hiện hữu.
# Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.600 ca sốt phát ban nghi sởi, không có tử vong. Hiện địa phương này đã tiêm hơn 42.000 mũi vắc xin có thành phần sởi, trên tổng số hơn 48.700 đối tượng, đạt tỷ lệ 86,5%. Hiện Nghệ An 4 đội đáp ứng nhanh luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương phòng chống sởi.
# Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đang đồng loạt triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ. Trước đó, ngành Y tế Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát đối tượng cần tiêm chủng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Trong đợt này, Quảng Bình được Bộ Y tế phân bổ 4.500 liều vaccine sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi, 12.640 liều vaccine MR (sởi – rubella) cho trẻ từ 1 - 5 tuổi và 8.840 liều vaccine MR cho trẻ từ 6 - 10 tuổi.
# Sở Y tế Bình Dương thông tin, tính đến ngày 28/3, số ca tử vong do bệnh sởi của tỉnh này chỉ là 1. Trước đó, vào ngày 5/1, Bình Dương ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi là bé gái 8 tháng tuổi, ở huyện Bàu Bàng. Bé có tiền sử mắc hội chứng Prader Willi (rối loạn gen di truyền hiếm gặp), chưa tiêm vaccine có chứa thành phần sởi. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã, đang đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm hơn 10.000 liều vaccine tại 9 trung tâm y tế huyện, thành phố và 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đối tượng là trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine chứa thành phần sởi. Trẻ từ 12 tháng đến 60 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi. Trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi.
# Liên quan tới vụ 38 học sinh trường Tuệ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) nghi bị ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tạm đình chỉ cơ sở chế biến nếu phát hiện có nguy cơ tiếp tục gây ngộ độc; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo báo cáo ban đầu, sau bữa ăn tại trường, nhiều học sinh có biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Bữa ăn tại trường do Công ty cổ phần quốc tế Haxeca Mekong cung cấp. Cục An toàn thực phẩm nhận định các ca nghi ngộ độc xảy ra cùng thời điểm, sử dụng nhóm thực phẩm giống nhau nên cần điều tra kỹ lưỡng.
# Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 103 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo các chuyên gia, sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật làm suy giảm chất lượng nguồn lao động; cùng đó ngành công nghiệp thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng, góp phần gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Trong đó, việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ: 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde; 12.000 đến 47.000 tấn nicotine; 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, gánh nặng chi phí môi trường do thuốc lá gây ra là hơn 98 nghìn tỷ đồng/năm.
# Theo PGS.TS. thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng; giảm các đợt tái phát. Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh. Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bỏ thuốc lá, thuốc lào; tránh hít phải khói thuốc, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích. Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bình luận