# Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản thông báo thu hồi bắt buộc toàn bộ các lô thuốc đối với thuốc Femancia, do giấy đăng ký lưu hành thuốc bị thu hồi. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Me Di Sun phối hợp với nhà phân phối thuốc, có trách nhiệm tổ chức việc thu hồi và thu hồi toàn bộ thuốc Femancia nêu trên. Việc thu hồi phải hoàn thành trong 15 ngày. Ngoài rút giấy đăng ký của loại thuốc ra khỏi danh mục các thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược cho biết thuốc Femanica sẽ không được sản xuất và lưu hành trên thị trường kể từ ngày 16/7.
# Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên về việc phòng chống bệnh liên cầu lợn sang người. Theo Cục Phòng bệnh, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong khoảng 2 tuần đầu tháng 7/2025, tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 3 trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn. Đây là chùm ca bệnh sau ăn tiết canh lợn tại xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với 2 trường hợp ăn cùng và đã tử vong với biểu hiện ban đầu sốt, đi ngoài phân lỏng.
# Phòng, chống sốt xuất huyết ở Đồng Nai- cần xác định điểm nguy cơ cao để tập trung nguồn lực. Đó là đề nghị của Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM – PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng đối với ngành y tế Đồng Nai, tại chương trình giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh, vừa diễn ra. Theo Dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn địa bàn ghi nhận hơn 6.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 167% so với cùng kỳ 2024.
# Trung tâm Y tế Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa xác nhận có hai ca bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm trên địa bàn. Cả hai trường hợp đều là trẻ nhỏ, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngay sau khi phát hiện ca viêm não Nhật Bản, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Trong đó, trọng tâm là điều tra dịch tễ tại khu vực hai bản nơi bệnh nhi sinh sống, theo dõi sát các ca nghi ngờ, cách ly, chuyển tuyến kịp thời...
# Bệnh viện Từ Dũ cho biết, em bé của một thai phụ 36 tuổi, ở phường Hiệp Chánh, TPHCM – trường hợp thứ 8 được can thiệp thông tim ngay từ trong bào thai đã chào đời an toàn, khỏe mạnh. Trước đó, ngày 9/7, khi thai nhi được 37 tuần, các bác sĩ tiến hành đánh giá sức khỏe thai nhi và ghi nhận ngôi mông và các chỉ số doppler trên siêu âm đều trong giới hạn bình thường. Đến ngày 14/7, thai phụ được hội chẩn lại và quyết định chấm dứt thai kỳ khi thai tròn 38 tuần tuổi. Sáng 15/7, ê-kíp bác sĩ tại bệnh viện đã thực hiện ca mổ lấy thai. Chỉ sau 5 phút phẫu thuật, bé trai nặng 3.250g đã chào đời khỏe mạnh, khóc to. Ngay sau khi chào đời, bé trai được các bác sĩ tiếp nhận và đánh giá toàn diện chức năng hô hấp, tuần hoàn. Kết quả cho thấy tình trạng bé ổn định, không cần hỗ trợ thở hay can thiệp đặc biệt.
# Khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật liên tiếp 2 ca thủng ruột do dị vật trong cùng một ngày. Trường hợp thứ nhất là người bệnh nam, 60 tuổi, trú tại phường Nông Trang, Phú Thọ, nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh xác định người bệnh có dị vật đâm xuyên thành ruột non. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, lấy ra dị vật là một đoạn xương cá dài khoảng 3cm. Tương tự là trường hợp người bệnh nữ, 65 tuổi, trú tại phường Việt Trì, Phú Thọ, nhập viện với biểu hiện đau bụng quanh rốn lan ra hố chậu trái. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có dị vật sắc nhọn xuyên thành ruột, được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật. Sau phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra một chiếc tăm tre dài gần 3cm. Cả hai trường hợp trên đều không biết đã nuốt phải dị vật từ khi nào. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, hồi phục tốt.
# Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, một số biến chứng bao gồm: Các bệnh về tim: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim. Bệnh cao huyết áp: Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp. Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi. Đây là một trong những biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bình luận