# Bộ Y tế cho biết, dù lực lượng y tế đã nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, nhưng do nhiều yếu tố khó khăn nên theo thống kê, tính đến ngày 31/3, toàn quốc ghi nhận đã tiêm được 682 nghìn mũi... Liên quan đến dịch bệnh sởi, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc. Trước đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi thấp. Do đó, Bộ Y tế đã luôn nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine sởi nhằm mục đích phòng tránh bệnh sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.
# Nhờ áp dụng đồng loạt các biện pháp trong quá trình vận động, tuyên truyền nên đến ngày 1/4, đã có 97,4% trẻ em từ 1 đến 10 tuổi ở Khánh Hòa được các gia đình đưa đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, năm 2024, toàn tỉnh này có 1.100 ca sốt phát ban nghi bệnh sởi, thực hiện xét nghiệm 895 mẫu, cho kết quả 652 mẫu sởi dương tính với bệnh sởi. Riêng năm 2025, đã thực hiện lấy 1.395 mẫu đi xét nghiệm bệnh sởi nhưng chưa có kết quả. Ghi nhận thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp sốt phát ban nghi bệnh sởi ở Khánh Hòa nằm trong nhóm tuổi từ 15 tuổi trở xuống (chiếm gần 70%). Trong số này có 78,3% chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.
# Sau một tuần triển khai, chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi tại TP Huế kết thúc với tỷ lệ trên 85%. Ngành y tế cho biết sẽ tiếp tục rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng vaccine. Theo Sở Y tế TP Huế, tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Tính đến hết ngày 30/3 ghi nhận 810 ca sốt phát ban nghi ngờ sởi, trong đó có 57 ca xác định mắc sởi, tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hầu hết các ca bệnh là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc trẻ chưa được tiêm đủ mũi vaccine.
# Trong khi đó, thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp biến chứng do sởi. Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ vì nhiều lý do khác nhau. Các bác sĩ cho biết, trẻ mắc sởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm ruột, thậm chí có nguy cơ tử vong. Điều trị bệnh sởi ở giai đoạn nặng thường đòi hỏi bệnh nhi phải nhập viện, làm mất thời gian của phụ huynh và tốn kém chi phí điều trị.
# Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 6 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 người hôn mê, nguy kịch sau khi cùng nhau uống rượu. Trước đó, bệnh viện tiếp nhận cùng lúc 6 bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc (Long An) đến trong tình trạng nghi ngộ độc nặng. Các bác sĩ xác định đây là chùm ca ngộ độc methanol và tổ chức hội chẩn khẩn liên chuyên khoa. Hai bệnh nhân nặng được chuyển lên Hồi sức chống độc để lọc máu liên tục, các bệnh nhân còn lại được lọc máu cấp tốc tại khoa Cấp cứu để đào thải độc tố. Các bác sĩ cũng cảnh báo, methanol (cồn công nghiệp) là chất cực độc, thường được sử dụng trong công nghiệp, không dùng cho tiêu dùng thực phẩm. Chất này gây độc qua đường hô hấp, da và đặc biệt là đường tiêu hóa, với khả năng gây mù mắt, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 30–50 ca ngộ độc methanol, chủ yếu do uống rượu không rõ nguồn gốc.
Bình luận