Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng với người sinh con thứ 2
VOV1 - Trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng.

# Một biến thể phụ mới của Omicron, được đặt tên là NB.1.8.1, đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và giới chức y tế châu Âu sau khi được phát hiện tại Pháp và một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trấn an rằng rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu hiện vẫn ở mức thấp. Biến thể NB.1.8.1 là một nhánh con của dòng Omicron, vốn được ghi nhận bởi đặc tính dễ lây lan. Biến thể mới này được báo cáo là bắt nguồn từ châu Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh tăng đột biến tại Singapore, Trung Quốc... Không chỉ ở châu Á, biến thể này cũng đã được ghi nhận tại Mỹ và châu Âu.

# Trong khi đó, nhóm nghiên cứu COVID-19 của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đã tiến hành giải mã trình tự gen một số bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng COVID-19, những người nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025. Kết quả cho thấy, biến chủng NB.1.8.1 được phát hiện ở 83% mẫu giải trình tự. Tính tới thời điểm này, NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia. Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu, tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh mức độ lây lan, cũng như khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này.

# Trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng; Cho phép cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh... Theo Bộ Y tế, việc ban hành Luật Dân số tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; có các biện pháp giải quyết các vấn đề dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

# Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia...

# Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, đơn vị vừa công bố ra mắt và triển khai tiêm đầu tiên tại Việt Nam vắc xin phế cầu 20 (PCV20) công nghệ mới, phòng 20 chủng vi khuẩn phế cầu, chống cả những chủng độc lực cao gây bệnh nặng. Vắc xin phế cầu 20 dành cho người từ 18 tuổi trở lên, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng cơ hội sử dụng cho trẻ em. Vắc xin này hiện đã được sử dụng tại gần 50 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc… cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do phế cầu ở người lớn.

# Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, một số biến chứng bao gồm: Các bệnh về tim: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim; Bệnh cao huyết áp: Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp; Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi. Đây là một trong những biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận