# Ước tính tỉ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD ở người trên 40 tuổi tại nước ta lên đến 4,2%, thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tỉ lệ hen phế quản là 4,1%, nhưng chỉ khoảng 29% người bệnh được điều trị dự phòng và chưa đến 40% được kiểm soát tốt. Đặc biệt, ung thư phổi, với hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm, hiện đứng thứ ba về số ca mắc mới nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam. PGS-TS Đỗ Hùng Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết bệnh viện ghi nhận khoảng 12.000 lượt khám/năm liên quan bệnh lý u phổi. Với hơn 70% bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn, tỉ lệ sống sau 5 năm rất thấp. Do đó, cần tăng cường tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh ung thư phổi.
# Theo báo cáo từ Bộ Y tế, từ ngày 14/12/2024 - 17/2/2025, Việt Nam đã ghi nhận 16.607 ca, trong đó có một ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) đánh giá sốt xuất huyết Dengue là một trong các thách thức lớn đối với ngành y tế Việt Nam năm 2025.
# Bộ Y tế đang lấy ý kiến về Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Theo dự thảo của văn bản danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, Bộ Y tế đề xuất danh mục 13 bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Vaccine viêm gan B đơn giá, vaccine phối hợp có chứa thành phần viêm gan B cho đối tượng trẻ sơ sinh. Vaccine lao cho đối tượng trẻ em. Vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu, vaccine phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều cho đối tượng trẻ em.

# Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025. Các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, dầu mỡ chiên rán thực phẩm, đặc biệt đối với các mặt hàng thịt nướng, xiên que, đồ ăn nhanh… tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thức ăn xung quanh trường học. Các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cần được xử lý nghiêm.
# Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ) đã can thiệp thành công cho một người bệnh nam 59 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch và ổn định sức khỏe. Người bệnh được can thiệp bằng phương pháp chụp mạch vành qua da, tiến hành nong bóng và đặt 1 stent phủ kín toàn bộ tổn thương. Sau can thiệp, người bệnh ổn định, không còn đau ngực, được tiếp tục theo dõi và điều trị.
# Các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng đang tập trung tối đa lực lượng y tế để đảm bảo hoàn thành tiêm vắc- xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi xong trước ngày 31/3/2025. Sở Y tế Bắc Kạn đã khẩn trương triển khai phân bổ vắc-xin đến các địa phương và tổ chức tiêm đồng loạt vào các ngày 27-28/3 tới đây.
# Chưa đầy 3 tháng, tại Quảng Ngãi có hơn 100 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng hàng chục lần so với cùng kỳ. Phần lớn các ca bệnh không tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, số ca bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sởi tăng đột biến so với năm 2024. Phần lớn các trường hợp mắc nhập viện điều trị cho thấy việc tiêm vaccine không đầy đủ hoặc không tiêm chủng.
# Cũng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi, ngành y tế tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu hoàn thành bao phủ đủ mũi vaccine cho 95% đối tượng trong diện tiêm chủng trong tháng 3 này.
# Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì nó khiến đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Các tổn thương tại đường thở xảy ra khi thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài như khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm trong nhà, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch hội lao và bệnh phổi Việt Nam, nguyên giám đốc bệnh viện phổi TW, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, đó là người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này... Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bình luận