Cứu thành công bé trai 5 tuổi tự thắt dây dải rút quần vào cổ (Ngày 11/5/2025)
VOV1 - Thông tin từ Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ mới đây đã xử trí và cấp cứu thành công bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) nghịch dải rút quần, tự cuốn “thắt cổ” treo mình trên dây mắc màn, nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ.

# Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái, tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Riêng TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh não mô cầu. Theo nhận định của các chuyên gia trong thời gian tới bệnh có nguy cơ cao xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng. Bệnh lây qua giọt bắn từ người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, nói chuyện gần hoặc dùng chung đồ cá nhân. Người sống chung nhà, ở ký túc xá, nhà trọ, làm việc chung là những đối tượng dễ bị lây.

# Cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân 16 trẻ tại trường mầm non Sông Hiến bị đau bụng, sốt, buồn nôn phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Trước đó, vào tối ngày 9 tháng 5, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 16 trẻ từ 3 - 4 tuổi nhập viện với các dấu hiệu: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, sốt. Qua kiểm tra tại trường cho thấy nguồn nước được sử dụng là nước máy dùng chung cả khu vực, học sinh sử dụng nước uống đóng chai, thực phẩm tại nhà ăn có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, khu vực bếp ăn đảm bảo vệ sinh. Đoàn đã kiểm tra các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 2 cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhà trường. Hiện, nguyên nhân dẫn đến vụ việc đang được cơ quan chức năng, làm rõ.

# Bệnh xá Đảo Song Tử Tây (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) vừa tiếp nhận và điều trị cho ngư dân sinh năm 1986 tỉnh Bình Thuận bị giảm áp cấp tính mức độ nặng khi khai thác hải sản trên khu vực Quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 9/5/2025, bệnh nhân lặn từ 1h00 đến 3h00, độ sâu 8m, thời gian ngoi lên 3phút, sau khi ngoi lên bệnh nhân xuất hiện tê bì yếu chân tay 2 bên, tiểu khó. Khoảng 16h30p ngày 9/5/2025, bệnh nhân được đưa vào Bệnh xá Đảo Song Tử Tây. Các y, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị giảm áp cấp tính mức độ nặng (tuýp 2) do lặn sâu 20m giờ thứ 20. Sau khi tiến hành xin ý kiến hội chẩn với viện Y học Hải quân; bệnh nhân được điều trị tái tăng áp theo phác đồ 6, truyền dịch, thở ô xy, chống kết tập tiểu cầu và đang được theo dõi tại bệnh xá đảo.

# Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa đón nhận chứng nhận vàng từ Hội Đột quỵ thế giới WSO (World Stroke Organization). Chứng nhận vàng là một trong ba giải thưởng của WSO Angels Awards – một giải thưởng toàn cầu uy tín được Hội Đột quỵ thế giới trao cho các đơn vị y tế có quy trình chăm sóc và điều trị đột quỵ xuất sắc. Để đạt được chứng nhận này, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của WSO về hệ thống cấp cứu, đội ngũ chuyên môn, trang thiết bị hiện đại, quy trình tái thông mạch máu, tiêu sợi huyết và can thiệp nhồi máu não kịp thời. 

# Một bé trai 5 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) nghịch dây rút quần, tự cuốn "thắt cổ" treo mình trên dây mắc màn, sau đó phải nhập viện trong tình trạng tím tái, lơ mơ. Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bé trong tình trạng hôn mê được bóp bóng qua nội khí quản, xuất huyết dạng chấm rải rác vùng đầu mặt và có vết lằn đường kính 0,5 cm dài 25 cm ở vùng cổ trước. Các bác sĩ tầm soát nguy cơ tổn thương não, phù não, tăng áp lực nội sọ, suy tuần hoàn, hô hấp do thắt cổ, ngạt thở. Sau 72 giờ điều trị hạ thân nhiệt chủ động, bệnh nhi được nâng thân nhiệt, làm ấm trở lại về mức bình thường và duy trì theo dõi trong 48 giờ. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần hạn chế hoặc loại bỏ các vật dụng có dây trong tầm với của trẻ nhỏ. Không để trẻ chơi với dây rút quần áo, dây túi xách, dây rèm cửa, dây sạc điện thoại, dây tai nghe... Tránh mặc quần áo có dây rút dài, đặc biệt là ở vùng cổ áo hoặc mũ trùm đầu.

# Bàng quang tăng hoạt hay hội chứng bàng quang kích thích ( gọi tắt là OAB) là một trong những căn bệnh phổ biến ở đường tiết niệu. Theo Hội Niệu học quốc tế, chính Bàng quang tăng hoạt (OAB) là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn tiểu tiện ở mọi lứa tuổi. Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, thường xuyên bị kích thích và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, tạo cảm giác buồn đi tiểu liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm, có thể có kèm theo tình trạng tiểu són, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ). Bệnh này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, cuộc sống và công việc. Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị bàng quang hoạt động quá mức. Các lựa chọn có thể bao gồm sử dụng thuốc và không dùng thuốc để giảm triệu chứng và giảm sự thôi thúc đi tiểu nhiều.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận