Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm tiếp tục tăng (Ngày 20/5/2025)
VOV1 - Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đơn vị vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về tăng cường công tác phát hiện, điều trị ca bệnh COVID-19.

# Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết đơn vị vừa có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về tăng cường công tác phát hiện, điều trị ca bệnh COVID-19. Theo đó, các bệnh viện khẩn trương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

# 2 tuần gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 lượt người khám bệnh/ngày, tăng hơn 10% so với cùng kỳ tháng trước. Bệnh viện bố trí 31 bàn khám, mở 8 cửa tiếp đón bệnh nhân, chú trọng công tác phân luồng người bệnh ngay từ khâu tiếp đón. Trong đó hầu hết là bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm thường gặp là sởi, quai bị, sốt xuất huyết, chân - tay - miệng, viêm não Nhật Bản, rối loạn tiêu hóa… Đối tượng dễ nhiễm bệnh là người có hệ miễn dịch yếu, người già và trẻ nhỏ, mắc các bệnh lý nền. UBND tỉnh Vinhchỉ đạo Sở Y tế và các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh nguy hiểm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh trong cộng đồng.

# Sau hơn 5 tháng chính thức đi vào hoạt động, hơn 1.000 lượt bệnh nhân ung thư đã được thụ hưởng xạ trị kỹ thuật cao của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh. Toàn bộ chi phí xạ trị được BHYT chi trả theo quy định, qua đó, góp phần giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả ngay tại Hà Tĩnh. Trước đây, mỗi năm, tỉnh phải chuyển khoảng 4.000 lượt bệnh nhân ung thư lên tuyến trên để điều trị, gây nhiều khó khăn và tốn kém cho người bệnh.

# Người đàn ông 57 tuổi, tiền sử hút thuốc lá hơn 30 năm, đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám vì u sùi vùng miệng, đã điều trị bằng thuốc kháng viêm, kháng nấm, kháng sinh nhưng bệnh không thuyên giảm. Bệnh gần đây tiến triển nặng hơn, số lượng tổn thương tăng, kèm loét đầu lưỡi, cảm giác đau và khó chịu rõ rệt, đặc biệt khi ăn uống. Sinh thiết tổn thương được chỉ định, kết quả giải phẫu bệnh khẳng định ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn xâm nhập. Nguyên nhân của bệnh chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được xác định như: thuốc lá, rượu, thói quen nhai trầu.

# Các bác sĩ ở California vừa thực hiện thành công ca ghép bàng quang đầu tiên trong lịch sử y học, mang lại hy vọng mới cho hàng nghìn bệnh nhân đang phải sống chung với tình trạng suy tạng nguy hiểm. Theo Urology Times, cách đây 4 năm, ông Oscar Larrainzar sống tại Los Angeles (Mỹ) mắc một dạng ung thư hiếm gặp khiến bàng quang gần như mất hoàn toàn chức năng. Để giải quyết triệt để tình trạng trên, các bác sĩ quyết định thực hiện ca ghép đồng thời thận và bàng quang suốt 8 giờ, bắt đầu bằng việc ghép thận, sau đó ghép bàng quang, rồi kết nối hai cơ quan với nhau. Ngay sau ca mổ, thận mới bắt đầu sản xuất nước tiểu và nước tiểu được dẫn vào bàng quang mới - dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả hai cơ quan hoạt động thành công.

# Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì nó khiến đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Các tổn thương tại đường thở xảy ra khi  thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài như khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm trong nhà, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch hội lao và bệnh phổi Việt Nam, nguyên giám đốc bệnh viện phổi TW, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, đó là người có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này... Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận