# Trong một tuyên bố, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo đang chuẩn bị loại bỏ khỏi thị trường các sản phẩm thuốc kê đơn có chứa Fluoride dạng uống cô đặc dành cho trẻ em. Theo HHS, khác với kem đánh răng hoặc nước súc miệng có chứa Fluoride, những sản phẩm thuốc kê đơn có thành phần này thường được trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nuốt vào bên trong, trong khi các dạng thuốc kê đơn như vậy chưa bao giờ được FDA chấp thuận. HHS trích dẫn các nghiên cứu cho thấy Fluoride có thể gây rối loạn tuyến giáp, tăng cân và giảm chỉ số IQ. Thậm chí, việc nuốt Fluoride còn làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột. Vì thế, HHS đặt mục tiêu sẽ hoàn tất đánh giá an toàn liên quan vào ngày 31/10 tới.
# Người dân Thái Lan đang được cảnh báo về sự bùng phát của các ca nhiễm COVID-19 khi có 41.197 ca mắc được xác nhận và 15 ca tử vong do COVID-19 từ đầu năm đến nay. Mặc dù COVID-19 hiện đã được phân loại là bệnh đặc hữu tại Thái Lan, giới chức y tế vẫn cảnh báo rằng các đợt bùng phát lẻ tẻ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa và thời điểm các trường học mở cửa trở lại. Tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế cũng trấn an người dân rằng dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát dù tỉ lệ ca dương tính tăng tại các phòng khám ngoại trú. Giới chức y tế Singapore cũng đang theo dõi sự gia tăng gần đây của các ca mắc COVID-19. Các bác sĩ cho biết một lý do chính dẫn đến sự gia tăng này là miễn dịch suy giảm khi tỉ lệ tiêm mũi vắc-xin tăng cường giảm xuống.
# Việt Nam có 148 ca mắc COVID-19 rải rác tại 27 tỉnh, thành phố từ đầu năm 2025 đến nay. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 34 ca, Hà Nội 19 ca, Hải Phòng 21 ca, các tỉnh khác từ 1-17 ca. Không có trường hợp tử vong và chưa phát hiện ổ dịch tập trung, nhưng số ca tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình 20 ca/tuần. Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khi thời tiết giao mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập nơi đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Cùng với đó là duy trì chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.
# Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Uyên Phương và Công ty TNHH mỹ phẩm và hóa chất Quang Xanh. Cục Quản lý Dược cho biết, lô dầu gội bị thu hồi do nhãn phụ sản phẩm chứa các nội dung phòng bệnh, chữa bệnh như thuốc, gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Nhãn gốc sản phẩm ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm trên.
# Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, cách đây ít ngày đội ngũ y bác sĩ của đơn vị đã nỗ lực cứu sống nam bệnh nhân 41 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim vượt qua lằn ranh sinh tử. Đặc biệt, bệnh nhân ngừng tuần hoàn nhiều lần do block nhĩ thất hoàn toàn và có những cơn rung thất. Theo thông tin, trước khi nhập viện, bệnh nhân khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, sau đó người bệnh đột ngột đau tức ngực trái dữ dội, khó thở, ngất xỉu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả. Khi nhập viện, người bệnh được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp chậm nguy hiểm (Block nhĩ thất hoàn toàn) và nhanh chóng được xử trí cấp cứu ban đầu.
# Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, một số biến chứng bao gồm: Các bệnh về tim: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim; Bệnh cao huyết áp: Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp; Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi. Đây là một trong những biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bình luận