Đón những em bé sinh non chỉ trên dưới 500 gam được nuôi sống khỏe mạnh, bụ bẫm ra viện là niềm hạnh phúc vô bờ của nhiều gia đình. Chia sẻ niềm vui đó, điều dưỡng trưởng Lê Thị Vân, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương không dấu được tự hào: "Tôi cũng được chăm sóc em bé từ những ngày đầu thì hiện tại cũng là phát triển. Nói chung là rất là tốt về trí tuệ, về nhận thức, về hình thức mọi cái em bé đều phát triển bình thường. Các gia đình thỉnh thoảng gửi những cái tấm ảnh hoặc những cái sự phát triển của các em bé cho cho tôi, để tôi có thể chia sẻ với đồng nghiệp, với bạn bè, để chúng ta biết được những cái thành tích, thành tựu của ngành y tế chúng ta"

Từ năm 2010, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh chỉ nặng 500 gram - một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của ngành Y tế Việt Nam. Những năm sau đó, rất nhiều em bé sinh non ở ngưỡng cửa sự sống đã được hồi sinh như cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm 24 tuần tuổi, bé gái 400 gram chào đời từ người mẹ tiền sản giật, cặp song sinh nặng 500 gram chào đời giữa tâm dịch COVID-19…

Trong căn phòng chăm sóc đặc biệt – nơi tưởng chừng khắc nghiệt nhất, tình người lại hiện lên thật rõ nét khi từng nhịp thở bé nhỏ được hồi sinh bằng tất cả trái tim và hy vọng của những “chiến sĩ” khoác áo blouse trắng. Nhờ bàn tay chăm sóc của các y bác sĩ, biết bao em bé đã vượt qua cuộc chiến sinh tử, lớn lên khoẻ mạnh và là minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của y học và niềm hy vọng.

Trước đây, với những thai phụ chẳng may mắc ung thư như ung thư cổ tử cung, buồng trứng hay thân tử cung phương pháp điều trị gần như là duy nhất: đình chỉ thai kỳ để tập trung cứu mẹ. Đó là điều bắt buộc, là nguyên tắc chuyên môn. Nhưng cũng là một quyết định khiến người thầy thuốc nặng lòng nhất.
Cùng với sự tiến bộ của y học thế giới, các phác đồ điều trị mới đã được cập nhật và ứng dụng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Các bác sĩ chuyên ngành phụ ung thư, những người được đào tạo chuyên sâu, giàu kinh nghiệm, đã lựa chọn một con đường khác: vừa điều trị ung thư, vừa giữ lại thai nhi như trường hợp của bệnh nhân này: "Bác sỹ Nga khám cho em bảo về nhập viện, bác Thắng xem hồ sơ bỏa bảo mổ luôn, bầu vẫn để trong bào thai nhưng vẫn mổ. Mổ xong truyền hóa chất, em bé vẫn nằm trong bụng mẹ, truyền 4 mũi hóa chất, xong mổ đẻ em bé ra, rồi sau đó truyền 4 lần nữa mới hết chu kỳ".

TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ ung thư cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng cái phác đồ điều trị hóa chất để tiếp tục giữ thai và không làm lại thêm bệnh ung thư, tức là bệnh ung thư nó sẽ không tiến triển, thậm chí là nó có thể thuyên giảm trong thời gian điều trị hóa chất thì cái đấy là một cái hướng điều trị rất là mới mà chúng tôi đã cập nhật ở trên thế giới và việc điều trị này nó cho phép bệnh nhân tiếp tục giữ thai và cái việc dùng hóa chất là hoàn toàn an toàn cho thai nhi. Thai không có các nguy cơ bị dị tật thai nhi hay là hai, chậm phát triển vân vân thì đây là một cái tiến bộ rất là rõ rệt và ngoạn mục mà bệnh viện đã đạt được trong những năm gần đây"
Là bệnh viện đầu ngành, Phụ sản Trung ương không chỉ là nơi tiếp nhận những ca khó nhất, mà còn luôn mang trong mình một trách nhiệm lớn hơn – đó là trách nhiệm với cộng đồng. Từ các chương trình khám, tư vấn sức khỏe sinh sản miễn phí cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, đến các đoàn công tác thiện nguyện – dấu chân của y bác sĩ nơi đây đã in trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Không chỉ mang theo kiến thức và thuốc men, các thầy thuốc mang theo cả sự lắng nghe, sẻ chia và niềm tin như khẳng định của GS.TS.TTND Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: "Người bệnh gửi gắm niềm tin cho chúng ta, cả sinh mệnh, cả sức khỏe của họ thì chúng ta cũng phải để để lại cho họ một niềm tin. Sau khi những cái lần chữa bệnh đó họ thực sự được chữa bệnh nhanh hơn, tốt hơn. Nhưng tất cả những cái chức năng mà họ mà họ cần họ muốn thì chúng ta cũng phải làm sao giữ gìn được một cách tối đa nhất. Đành rằng nhiều khi những mong đợi ở trong y khoa luôn luôn không phải lúc nào cũng đạt được, nhưng mà người thầy thuốc luôn luôn phải đặt ra cái đó, đó mới là y học, bảo tồn y học, phục hồi chức năng"
70 năm không chỉ là độ dài của một hành trình, mà là chiều sâu của một di sản. Từ một bệnh viện nhỏ giữa lòng thủ đô thời hậu chiến, đến trung tâm sản phụ khoa lớn nhất, uy tín nhất cả nước, hàng đầu khu vực. Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đi qua mọi chặng đường của lịch sử hiện đại ngành y bằng trí tuệ, bản lĩnh và niềm tin vững bền. Từ nơi đây, các thế hệ kế tiếp y bác sĩ không chỉ học nghề mà gánh vác sứ mệnh kế tục và nâng tầm sự nghiệp ươm mầm thế hệ tương lai khỏe mạnh cho đất nước./.
Bình luận