Cách đây 95 năm, ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới của lịch sử dân tộc và cũng chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về con đường cứu nước. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: "Hội nghị thành lập Đảng, Hội nghị do Bác Hồ chủ trì vào tháng 2/1930 đã ban hành Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, nhưng rất cơ bản. Qua khôi phục tổ chức, kiện toàn trung ương thì tạo ra đầu mối thống nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, bắt đầu từng bước tiếp cận với thực tiễn tốt hơn, để đề ra chủ trương chính sách sát hợp".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1930-1975 đất nước đã trải qua kỷ nguyên độc lập- tự do. Để có được kỷ nguyên độc lập- tự do, toàn đảng, toàn quân, toàn dân phải trường kỳ kháng chiến; chiến thắng thực dân, đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới. Cả dân tộc Việt Nam đã hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên độc lập-tự do với đại thắng mùa xuân năm 1975. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: "Kỷ nguyên độc lập-tự do này đã đưa Việt Nam trở thành dân tộc tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp chống thực dân đế quốc, giải phóng dân tộc, trong thời đại mới, đem lại vị thế quốc tế rất lớn cho Việt Nam".
Kết thúc kỷ nguyên độc lập-tự do, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH với bộn bề những khó khăn. Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ 6 khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới và phát triển và đã từng bước khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội rất nghiêm trọng. Chỉ sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã khắc phục được khủng hoảng, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và CNXH. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người vượt qua ngưỡng 1.000 đô la. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng chậm phát triển, bước vào danh sách các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đây là 1 thành tựu có ý nghĩa lịch sử rất lớn lao, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.
Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển, với những thành tựu rất ấn tượng. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, thiếu ăn... trở thành quốc gia có nền ngoại thương Top 20 thế giới. GDP tăng hơn 96 lần, thu nhập bình quân đầu người một năm đạt trên 4.600 đô la. Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, các mục tiêu phát triển bền vững đều là điểm sáng. PGS. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực 2 đánh giá: "Gần 50 ngày đất nước thống nhất, gần 40 năm đất nước đổi mới, 95 năm chúng ta xây dựng Đảng ta. Có thể nói cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế chưa bao giờ được như ngày hôm nay. Đó là nhận thức rất sâu sắc và thực tế. Nhìn lại đất nước chúng ta sau 40 năm đổi mới, thay đổi một trời, một vực. Đời sống đồng bào tất cả các nơi đều được nâng lên. Mặc dù còn ngổn ngang những công việc chúng ta tiếp tục phải làm nhưng niềm tin ấy vẫn là niềm tin lớn và ngày nay ta chúng ta đang tiếp tục xây dựng đất nước".
Những kết quả, thành tựu và vị thế đạt được trong kỷ nguyên độc lập- tự do và kỷ nguyên đổi mới và phát triển đã tạo thế và lực để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba- kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đích đến trong kỷ nguyên vươn mình là phải xây dựng một nước Việt Nam XHCN hùng cường, giàu mạnh, văn minh, sánh vai được với các cường quốc năm châu. Trong đó, 2 mục tiêu rất rõ ràng là đến năm 2030 phải trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành quốc gia XHCN phát triển, thu nhập cao. Tiêu chí quốc gia phát triển là: phải đạt trình độ phát triển như các nước thành viên tổ chức hợp tác và phát triển OECD hiện nay; phải là quốc gia XHCN, công bằng, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Người dân có đầy đủ điều kiện để phát triển toàn diện. Đất nước phải có đủ sức mạnh để bảo vệ vững chắc chế độ XHCN từ sớm, từ xa. PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên phải thực hiện được đích đến mà Đại hội 13 của Đảng đã xác định. Quan trọng nhất là quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện như đang rất quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị "tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả". Công tác tổ chức thực hiện là công tác quan trọng. Chủ trương có, vấn đề quan trọng chính là tổ chức thực hiện như thế nào, đặc biệt là quyết tâm chính trị phải cao, chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn. Đó là con đường chúng ta phải đi".
Đảng ta xác định, từ Đại hội 14 trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên này diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới./.
Lại Hoa/VOV1
Bình luận