Được tổ chức lần đầu vào năm 2023, thành phố Đà Nẵng tiếp tục được chọn tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3. Với hơn 100 bộ phim đặc sắc đến từ nhiều nền điện ảnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia, Liên hoan phim lần này phản ánh sự lan tỏa mạnh mẽ của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng trong cộng đồng điện ảnh quốc tế. Nhiều bộ phim được công chiếu lần đầu, bối cảnh quay tại nhiều địa phương nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Hạ Long...
Trong bối cảnh hiện nay, khi yếu tố khác biệt và kết nối cảm xúc là chìa khóa để thu hút du khách, ngành điện ảnh đã nổi lên như một công cụ mạnh mẽ trong việc quảng bá điểm đến. Đơn cử như bộ phim “Love in Vietnam”, một dự án đầu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã mang tới những thành công đáng kể. Đoàn làm phim lựa chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay là một bước tiến đầy ý nghĩa trong việc đưa hình ảnh thành phố đến gần hơn với khán giả quốc tế, đặc biệt là thị trường khách Ấn Độ đang phát triển rất nhanh tại thành phố Đà Nẵng.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, ngay sau thành công của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 2, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng đã ký kết một biên bản hợp tác tổ chức Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng thường niên, từ năm 2025 đến hết năm 2031: "Thành phố Đà Nẵng là địa điểm vô cùng đắc địa, chắc chắn là tiền đề vững chắc để Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng thành công và sẽ có nhiều cơ hội bay cao, bay xa hơn nữa. Từ nay đến năm 2031, hằng năm chúng ta sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng, thành phố biển đẹp tuyệt vời mà tôi nghĩ các vị khách lần đầu tiên đến đây sẽ rất cảm tình, đến đây rồi chắc chắn sẽ muốn quay lại”.
Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030”, mục tiêu doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 7,5% GRDP vào năm 2030, trở thành một trong ba trung tâm điện ảnh lớn của Việt Nam. Đề án này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ đóng góp khoảng 1,7% vào GRDP của Đà Nẵng; thu hút ít nhất 3 triệu lượt khách du lịch văn hóa mỗi năm và phấn đấu tỷ trọng đóng góp của du lịch văn hóa trong GRDP thành phố ước đạt 5%.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm Văn hóa Điện ảnh với tổng mức đầu tư gần 520 tỷ đồng. Dự án này hướng đến tạo dựng một thiết chế văn hóa hiện đại, trở thành không gian tổ chức các sự kiện chính trị, lễ hội, hội nghị lớn của thành phố. Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc đưa điện ảnh, nghệ thuật và văn hóa hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Qua sự kiện này, hình ảnh Đà Nẵng năng động, thân thiện và giàu tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa sẽ được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế: “Thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng rất nhiều đề án và đặc biệt vừa rồi mới ban hành Đề án phát triển trung tâm điện ảnh của thành phố Đà Nẵng cũng như Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa điện ảnh của thành phố Đà Nẵng. Chắc chắn trong tương lai, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ có rất nhiều những kế hoạch cụ thể để xúc tiến phát triển thành phố Đà Nẵng cũng là trở thành một trong những trung tâm văn hóa điện ảnh của cả nước”.

Đà Nẵng được vinh danh là điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á. Từ góc độ công nghiệp văn hóa, Đà Nẵng đang từng bước định danh, xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt Nam, mở cửa phát triển, hội nhập với nền điện ảnh khu vực, thế giới. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao sáng kiến của UBND thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam trong việc tổ chức Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng thường niên để khẳng định vai trò của một sự kiện điện ảnh mang tầm vóc khu vực giàu bản sắc và ngày càng chuyên nghiệp. Liên hoan tổ chức theo hướng xã hội hóa, góp phần phát huy nguồn lực xã hội. Đây cũng chính là tinh thần được nêu rõ trong các quyết sách, chiến lược của Đảng. Đó là Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục và phát triển kinh tế nói chung: “Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng cần được định hướng trở thành một trong những liên hoan phim quốc tế uy tín tại châu Á Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế văn hóa sáng tạo của Việt Nam trên trường quốc tế và là một trong những điểm tựa quan trọng để Đà Nẵng từng bước trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO trong thời đại mới”./.
Đình Thiệu/VOV Miền Trung
Bình luận