# Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), lượng phấn hoa tại nhiều khu vực ở châu Âu trong mùa Xuân vừa qua đã đạt mức 'cao bất thường', khiến ngay cả những người không có tiền sử dị ứng phấn hoa cũng xuất hiện triệu chứng. Theo cơ quan này, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi thời điểm và mức độ phát tán phấn hoa, do mùa Xuân đến sớm hơn và thời gian cây trổ hoa kéo dài hơn, theo đó mùa phấn hoa cũng sẽ kéo dài hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện khoảng 25% người lớn và 30 - 40% trẻ em châu Âu mắc dị ứng do hít phải các chất trong không khí, hay còn gọi là dị ứng không khí, bao gồm tình trạng hen suyễn nặng. WHO dự báo những con số trên sẽ tăng trong những năm tới.
# Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế vừa có quyết định thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của 8 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của 4 công ty, gồm: Dược phẩm Nano Pharma, Kingphar Việt Nam, Dược phẩm Nguyễn Minh, Công ty Vinh Thịnh Vượng. Từ tháng 4-2025 đến nay, Cục ATTP đã liên tiếp ban hành các quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký sản phẩm của nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe với lý do các doanh nghiệp công bố tự nguyện xin rút hồ sơ liên quan. Trong đó, không ít thương hiệu lớn cũng chủ động xin tự thu hồi sản phẩm.
# BS Hà Phúc Tuyên, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nguyễn Trãi TPHCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, khoa đã tiếp nhận 4 ca nhiễm giun lươn. Trong khi đó, vài năm trước đây không ghi nhận ca giun lươn nào. Các ca bệnh nhiễm giun lươn đều có điểm chung là tiếp xúc nhiều với đất (đặc biệt là làm nghề nuôi tôm, nông nghiệp) và sử dụng corticoid kéo dài - nguyên nhân dẫn đến suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền nặng. Khi nhiễm giun lươn, do triệu chứng rất không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa hay hô hấp thông thường. Người bệnh sẽ có các dấu hiệu về hô hấp như ho khan kéo dài, ho không dứt dù điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm. Để phòng ngừa mắc giun lươn, cần ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống chưa rửa kỹ; Rửa rau sống bằng nước muối loãng để loại bỏ trứng ký sinh trùng.
# Hình ảnh nhóm thành viên một câu lạc bộ ở TP.HCM ngâm mình trong dòng nước đen kịt để vớt rác lan truyền mạnh trên mạng xã hội, khiến nhiều người xúc động trước nghĩa cử làm sạch môi trường. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo hành động này tiềm ẩn không ít nguy cơ sức khỏe, nhất là các bệnh ngoài da do tiếp xúc nước ô nhiễm, thậm chí nhiều người còn tự làm bệnh nặng hơn vì tự ý mua thuốc bôi. Bác sĩ cho biết một số bệnh ngoài da có thể tự khỏi nếu vệ sinh tốt, nhưng phần lớn cần dùng thuốc uống, thuốc bôi phù hợp để khỏi hoàn toàn và tránh biến chứng. Khi buộc phải tiếp xúc, người dân cần mặc đồ bảo hộ, mang ủng, găng tay. Sau khi ra khỏi nước bẩn, phải tắm ngay bằng nước sạch, lau khô cơ thể, nhất là kẽ ngón tay, ngón chân, và tránh mặc quần áo còn ẩm.
# Nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, người phụ nữ 37 tuổi được chẩn đoán viêm tụy cấp do mỡ máu tăng vọt, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chỉ định điều trị bằng thay huyết tương loại bỏ mỡ máu, truyền dịch, kháng sinh, giảm tiết. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, hết đau bụng, các chỉ số xét nghiệm mỡ máu và men tụy trở về ngưỡng bình thường. Để phòng ngừa nguy cơ rối loạn mỡ máu và các bệnh lý chuyển hóa, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế ăn dầu mỡ và duy trì thói quen vận động hàng ngày.
# BS.CKII Phạm Hồng Hà – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Quân y 7B/Cục hậu cần – Kỹ thuật/Quân khu 7 cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại chung của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy đầu viên đạn nằm trong cơ thể bệnh nhân suốt hơn 60 năm. Bệnh nhân 83 tuổi, quê ở tỉnh An Giang (cũ), là cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu năm 1964 và trúng đạn vào sâu hông đùi phải. Sau khoảng 60 phút, ê kip mổ đã tiếp cận và lấy thành công đầu đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Đầu đạn này vẫn sáng bóng và tương đối nguyên vẹn. ít giờ sau khi mổ, bệnh nhân có thể vận động bình thường. Dự kiến ngày 10/7/2025 ông sẽ được ra viện.
# Phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiến triển nặng gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Do đó người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần điều trị tại bệnh viện ngay khi thấy có các triệu chứng tăng nặng như: Khó thở đến nỗi không thể nói chuyện; Móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám- điều này chứng tỏ nồng độ oxy trong máu thấp; Có tình trạng rơi vào trạng thái lơ mơ; Nhịp tim nhanh, rất nhanh. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu ngày càng nặng như ho mãn tính, kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.
Bình luận