Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững
Chiều 18/12, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững”.

Chính sách thuế trong nhiều năm qua đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế. 4 năm qua, việc miễn giảm thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800.000 tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn: Trong giai đoạn 2021-2024 ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách. Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức tham gia hóa đơn điện tử. Ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Cùng với các nỗ lực trong triển khai các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế và mở rộng cơ sở thuế,  Ngành Thuế cũng thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa lớn như lĩnh vực khoáng sản, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú… góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, giai đoạn từ năm 2021 đến nay khoảng hơn 41 nghìn tỉ đồng.”

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại trong quá trình thực hiện như: quy trình kê khai, nộp thuế hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn có lúc chậm, gây ra sự tốn kém nhất định về thời gian và chi phí doanh nghiệp; Một số quy định về thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương và địa phương dẫn đến sự thiếu rõ ràng và khó dự đoán giúp cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số chưa đồng đều…

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: theo khảo sát mới dây, có 31% doanh nghiệp gặp  vướng mắc khúc mắc nhất định trong việc thực hiện thủ tục hành chính về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ông Hoàng Quang Phòng, kiến nghị: “Cần triển khai chính sách thuế ổn định, đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế, tránh chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp an tâm lập kế hoạch dài hạn; bên cạnh đó, xây dựng Cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI để giải đáp thắc mắc nhanh hơn và cần có  các tài liệu hướng dẫn chi tiết dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách Thuế tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một cách thiếu thống nhất. Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ nhỏ và vừa, cần có các chính sách đặc thù như miễn, giảm hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế hoặc tư vấn trực tiếp; cần duy trì các kỳ đối thoại thường xuyên đối với người nộp thuế và đối với doanh nghiệp để lắng nghe những phản hồi cũng như các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.”

Nhấn mạnh triển vọng trong tương lai, việc quản lý thuế của Việt Nam sẽ làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài từ đó thúc đẩy đầu tư bền vững, ông Noguchi Daisuke, cố vấn trưởng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng: Đảm bảo quản lý thuế thống nhất trên toàn quốc sẽ giúp cho người nộp thuế yên tâm và gia tăng niềm tin. Để đạt được điều này, việc mở rộng phạm vi hệ thống hành chính thuế trên cả nước là điều quan trọng: “Quản lý thuế của Việt Nam đang phát triển đáng kinh ngạc và các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế đang được triển khai tích cực. tuy nhiên vẫn cần các biên pháp để giải quyết các thách thức còn tồn tại. Tôi tin rằng việc thúc đẩy chuyển đổi số … sâu hơn nữa trong quản lý thuế, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng mạng lưới hành chính thuế nhằm cung cấp dịch vụ nộp thuế đồng bộ trên toàn quốc sẽ là chìa khóa để hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.” 

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã phân tích những cách thức các chính sách thuế của Việt Nam đã góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hỗ trợ phát triển kinh tế; kết nối cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý thuế; Sự tương tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý là cầu nối quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, đặc biệt với các chính sách thuế. /.

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận