Hơn 1.000 lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu về AI và Bán dẫn toàn cầu sẽ có mặt tại Việt Nam
VOV1 - Lần đầu tiên, hơn 1000 lãnh đạo, chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, trong đó có các “đại bàng” như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, Marvell có mặt tại Việt Nam

Lần đầu tiên, hơn 1000 lãnh đạo, chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, trong đó có các “đại bàng” như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác từ Silicon Valley (Hoa Kỳ), Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc có mặt tại Việt Nam để cùng tham gia chuỗi Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn 2025 (AISC 2025, với chủ đề: “Kiến tạo tương lai: Cầu nối AI & Công nghệ bán dẫn toàn cầu”.

Sự kiện diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 3 tại Hà Nội và Đà Nẵng, do Aitomatic của Mỹ và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) đồng tổ chức. Thông tin báo chí về sự kiện này diễn ra chiều nay tại Hà Nội.

 

Sự kiện có quy mô hơn 1.000 lãnh đạo, chuyên gia với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google DeepMind, IBM, Intel, TSMC, Samsung, Media Tek, Tokyo Electron, Panasonic, Qorvo, Marvell cùng nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác từ Silicon Valley (Hoa Kỳ) và nhiều quốc gia, nền kinh tế phát triển.

Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên và hàng đầu thế giới về giao thoa giữa đổi mới AI và bán dẫn, mở ra cơ hội tiếp cận với các thông báo đột phá về AI và khẳng định vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. 

Sau thành công của Hội nghị Công nghiệp trí tuệ nhân tạo Quốc tế tại Stanford, Hoa Kỳ, AISC 2025 được tổ chức tại Việt Nam, hội tụ các nhà tiên phong công nghệ toàn cầu, trong đó có Eric Schmidt, cựu CEO của Google, sẽ tập trung thảo luận về xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ bán dẫn và AI trong nền kinh tế số, tạo cơ hội kết nối giữa các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế và cơ quan quản lý để thúc đẩy đầu tư hợp tác quốc tế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chiến lược và chính sách nhằm đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững tại Việt Nam.

Tiến sỹ Cristopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic của thung lũng Silicon Valey, một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng AI cho các giải pháp công nghiệp và thực tiễn, đơn vị đồng tổ chức sự kiện cho biết:

Hội nghị không chỉ quy tụ hơn 1 nghìn nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học toàn cầu về AI và bán dẫn mà còn là chất xúc tác thúc đẩy sự đổi mới AI và bán dẫn. AISC 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của công nghệ AI và bán dẫn. Chúng tôi tập hợp những nhà đổi mới hàng đầu thế giới để giới thiệu những sự đột phá thực sự tại giao điểm của AI và bán dẫn.

Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện để hợp tác toàn cầu về lĩnh vực bán dẫn

Theo Bloomberg Intelligence, thị trường bán dẫn toàn cầu đạt 500 tỷ USD vào cuối năm 2024, trong khi AI tiếp tục mở rộng nhanh chóng, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Gần đây, sự kiện DeepSeek-R1 - mô hình AI mã nguồn mở khiến giá trị cổ phiếu hàng loạt ông lớn bốc hơi 1,2 nghìn tỷ USD, thúc đẩy tái cấu trúc ngành và các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất. Theo đó, việc tích hợp AI vào thiết kế và sản xuất chip đang thu hút những khoản đầu tư khổng lồ, hứa hẹn sẽ định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu suất. 

Đứng trước xu hướng bùng nổ đó, Việt Nam tận dụng cơ hội này với chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm trợ cấp chi phí sản xuất chíp AI. Chính phủ chú trọng vấn đề đào tạo bài bản AI và bán dẫn, cấp học bổng, miễn phí giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cho biết, Việt Nam đang tận dụng thời cơ vàng để đẩy nhanh sự phát triển lĩnh vực bán dẫn trong nước cũng như nhân rộng mô hình hợp tác thành công với các tập đoàn trong việc đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI tại Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện sự sẵn sàng của Việt Nam trong đón các đại học công nghệ hàng đầu trên thế giới. Nổi bật là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, hiện nay Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận hợp tác với các đối tác trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Thứ nhất Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm cao trong chính trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các ngành công nghệ cao, mới nhất là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ngay sau đó là Nghị quyết 03 của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động cụ thể.

Thứ hai là Việt Nam có dân số hơn 100.000.000 dân và đang trong thời kỳ dân số vàng có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực tìm được đánh giá cao.

Thứ ba, hiện nay Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn và có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều đối tác công nghệ hàng đầu trên thế giới.

AISC 2025 sẽ là một điều kiện rất tốt để làm sao gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước giữa các viện trường và các cơ sở đào tạo cũng như các doanh nghiệp để đáp ứng phát triển trong thời gian tới.

Thanh Trường/VOV1 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận