Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 5 chương 32 điều với rất nhiều nội dung mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian tới của đất nước. Luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, phân cấp, phân quyền và đạt được sự thống nhất cao trong Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2025.
Theo quy định của Luật, việc phân quyền, phân cấp phải bảo đảm rõ chủ thể, nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Luật đã bổ sung một số cơ chế, chính sách mới, cụ thể như Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết khi quyết định phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp có đề nghị và tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Luật bổ sung nguyên tắc khuyến khích cơ quan, người có thẩm quyền chủ động đề xuất việc phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện phân cấp, phân quyền hiệu quả nhằm phát huy tính linh hoạt, sáng tạo, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về điều khoản chuyển tiếp, trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa phù hợp với quy định của Luật này thì phải điều chỉnh thống nhất với quy định của Luật này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Vân Hồng thực hiện
Bình luận