Kỳ họp bất thường lần thứ 9 với nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ đối với năm 2025 mà còn mục tiêu dài hạn của đất nước. Diễn ra trong 6 ngày rưỡi, Quốc hội "bắt được đúng mạch", "không chần chừ", "do dự"; để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những "điểm nghẽn" làm chậm sự phát triển của đất nước. Thảo luận ở tổ; tại Hội trường, hay bên hành lang Quốc hội... các ĐBQH đã thể hiện thái độ và tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn TP Hà Nội khẳng định: "Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội Khóa 15 không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lập pháp mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đổi mới tư duy quản lý, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị".

4 Luật rất quan trọng gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được Quốc hội thông qua cho thấy tầm nhìn chiến lược nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Điểm đáng chú ý nhất, Quốc hội quyết nghị tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực. Các quy định mới sẽ tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động hơn, năng động hơn trong quản lý và điều hành, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững ở từng vùng, từng lĩnh vực. Sự điều chỉnh về tổ chức bộ máy cũng không chỉ dừng lại ở khía cạnh tinh gọn mà còn hướng tới tính hiệu quả, giảm chồng chéo, nâng cao trách nhiệm giải trình, đảm bảo bộ máy vận hành linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắc Nông nhận xét: "Sau Hiến pháp thì đây là những Luật gốc trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, điều đặc biệt là các Luật này đã phân cấp, ủy quyền, phân quyền rất mạnh cho các chủ thể. Ví dụ, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban TVQH; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phân quyền và ủy quyền rất mạnh cho chính quyền địa phương... sẽ tạo ra bước đột phá mới, tháo gỡ những "điểm nghẽn," "nút thắt" trong thể chế. Đặc biệt điểm nghẽn của thể chế ở góc độ thẩm quyền của các cơ quan, trước đây chưa phân quyền mạnh, thì nay phân quyền, ủy quyền, phân cấp rất mạnh".

Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành rất cao. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là có cơ sở và có dư địa thực hiện, song, đây cũng là "bài toán", là "phép thử" để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Đây không chỉ là con số mà là cam kết mạnh mẽ về chính sách kinh tế và kỳ vọng của người dân. Bởi vậy, cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư tư, tháo gỡ những nút thắt về thể chế, quy trình thủ tục và đặc biệt là về nguồn lực. Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị đánh giá: "Trong các nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra để đạt được 2 con số như kỳ vọng thì chúng tôi hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, cần rà soát, đánh giá thật kỹ các yếu tố như: đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như các quan hệ dân sự và kinh tế; tạo niềm tin, động lực cho người dân và doanh nghiệp thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài và đầu tư của tư nhân mạnh mẽ hơn thì chúng ta có thể đạt hai con số mà có thể vượt con số như Nghị quyết và mong đợi của Chính phủ".
Cũng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường kết nối hành lang kinh tế quan trọng, đặc biệt kết nối thẳng đường sắt của Trung Quốc sẽ tạo nên tính liên vận về hàng hóa trong nước với quốc tế rất cao.
Trong các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp, đáng chú ý là Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quốc hội đồng ý chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các chính sách ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hay ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ... cũng là những chính sách được cho là đột phá tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những chính sách này đã góp phần tháo gỡ "nút thắt" và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học. Đại biểu Phan Xuân Dũng, đoàn Tây Ninh- Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phấn khởi: "Thông qua Nghị quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ. Đây là một việc làm rất cần thiết, kịp thời để triển khai Nghị quyết 57 rất quan trọng mà trí thức khoa học công nghệ kỳ vọng như một đột phá trong khoa học công nghệ. Nghị quyết của Quốc hội bước đầu tháo gỡ được những khó khăn trong vấn đề thanh quyết toán, trong sử dụng ngân sách, trong tập trung được trí lực cho các hoạt động chính khoa học và công nghệ. Đấy là những điểm tốt, điểm mới điểm quyết liệt trong Nghị quyết này. Tôi hoan nghênh".

Thách thức lớn nếu không có chính sách đặc thù", do đó, Quốc hội cho phép hàng loạt cơ chế đặc thù để triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; cho phép các cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ, các Nghị quyết về cơ chế đặc thù này sẽ mở ra những bước đi đột phá trong các lĩnh vực năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý.
Với việc thông qua tổ chức bộ máy của Quốc hội và Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này đã thể hiện rõ quyết tâm Trung ương gương mẫu đi đầu trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Đồng thời với đó, công tác nhân sự được thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của ĐBQH. Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội; bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ; 1 Ủy viên Ủy ban TVQH và 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; bổ nhiệm 4 Bộ trưởng; đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên TVQH để nhận nhiệm vụ khác.
Các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 với tỷ lệ tán thành rất cao, đều đạt trên 99%, đây là kết quả rất đặc biệt của Kỳ họp. Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định "Thời điểm lịch sử trọng đại, phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước". Kỳ họp không chỉ đặt nền móng cho sự đổi mới trong xây dựng pháp luật mà còn là nền tảng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng của đất nước. Khi thể chế vận hành thông suốt, khi quyền lực được phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả... chính là lúc đất nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, văn minh và hạnh phúc./.
Lại Hoa/VOV1
Bình luận