Xử lý kịp thời những phát sinh khi sắp xếp bộ máy (24/2/2025)
VOV1 - Có đến trên 300 Luật và trên 5 nghìn văn bản liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước cần được sửa đổi. Do đó, đại biểu Quốc hội đánh giá cao Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Trong số các luật, nghị quyết được thông qua, Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, được đại biểu quốc hội đánh giá cao, với những quy định kịp thời, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước gồm 15 điều quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.

Nghị quyết quy định rõ, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản được chuyển đổi theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó. Cơ quan, chức danh có thẩm quyền có thay đổi sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được sử dụng con dấu, thực hiện thủ tục đăng ký mẫu con dấu, thu hồi con dấu theo quy định của pháp luật.

Về thực hiện thủ tục hành chính, Nghị quyết quy định rõ, trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện ngay việc điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính đã được điều chỉnh theo quy định pháp luật.

Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có các trách nhiệm gồm: tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp; thông báo công khai thông tin.

Nghị quyết quy định rõ, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua (19/2/2025) và được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận