Huyện miền núi thứ 2 tỉnh Quảng Ngãi về đích xóa nhà tạm
VOV1 - Đến thời điểm này, Sơn Tây là huyện miền núi thứ 2 của tỉnh Quảng Ngãi về đích chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát .Có được kết quả này nhờ cách làm sáng tạo, chỉ đạo cụ thể và có sự hỗ trợ cho từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 Những ngày này, gia đình ông Đinh Văn Hơi, người Ca Dong ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện vùng cao Sơn Tây vui mừng vì vừa kịp hoàn thành căn nhà sàn mới do Nhà nước hỗ trợ. Hai vợ chồng ông thuộc diện khó khăn, sống trong căn nhà sàn đã xuống cấp, mưa giột, gió lùa. Gia đình ông được hỗ trợ 60 triệu đồng, được chính quyền xã mời đến chọn mẫu nhà sàn đồng thời huy động nhân công từ kiểm lâm, dân quân xã, đoàn thanh niên phối hợp cùng con cháu trong gia đình chung tay làm nhà. 3 tháng sau căn nhà sàn đã hoàn thành.

 “Tôi cũng mừng, Nhà nước hỗ trợ cho cái nhà này, sau này tôi có thể ổn định cuộc sống. Nếu Nhà nước không làm thì tôi không có được cái nhà như thế này đâu. Nhà nước hỗ trợ thì tôi có được một cái tổ ấm như thế này. Tôi rất mừng vì có hỗ trợ từ dân bảo vệ rừng, lực lượng dân quân đến hỗ trợ lợp thêm ngói. Mừng lắm vì không có sự giúp đỡ ấy thì mình chỉ biết mơ ước thôi”.

Xã Sơn Tinh nằm ở vùng cao của huyện Sơn Tây, hầu hết là đồng bào Ca Dong. Sơn Tinh có hơn 71 nhà thuộc diện hỗ trợ, trong đó 53 nhà xây mới. Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đây, lãnh đạo UBND xã Sơn Tinh chủ động ngăn chặn việc đồng bào chặt phá cây rừng làm nhà nên đã họp bàn, thống nhất mô hình nhà sàn xây bằng sắt thép, trụ bê tông lợp ngói. Các bức vách thì sử dung tre, nứa và tận dụng lại gỗ của căn nhà cũ. UBND xã Sơn Tinh đã làm căn nhà sàn mẫu từ sắt thép, 6 cột bê tông, lợp ngói.. đảm bảo tiêu chí “3 cứng”, tổng chi phí khoảng 60 triệu đồng, ngang với mức Nhà nước hỗ trợ để bà con quyết định, còn gia đình nào có điều kiện có thể làm nhà xây to hơn, kiên cố hơn. Chỉ trong vòng 3 tháng, xã Sơn Tinh đã hoàn thành được toàn bộ số nhà cần xây mới, sửa chữa. Ông Đinh Duy Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây cho biết:

“Rút kinh nghiệm từ các chương trình,dự án từ nhà ở người có công, 167, 134  khi triển khai thì trước kia nhà truyền thống, nhà sàn bà con làm nhà gỗ, nhưng rừng hiện nay đã bị cấm khai thác, nên ban chỉ đạo xã thiết kế lại 1 mẫu nhà và chọn chất liệu cho phù hợp, tối thiểu là 60 triệu. Từ đó thấy rất hiệu quả và huyện cũng chọn mẫu của Sơn Tinh làm chung cho huyện”.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Sơn Tây có 617 nhà, trong đó xây mới 507 nhà và 110 nhà sửa chữa. Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở là gần 34 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương phân bổ được hơn 14 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 2 tỷ đồng, còn lại là từ ngân sách huyện và đặc biệt là vận động từ các nhà tài trợ trên địa bàn.

Địa bàn huyện Sơn Tây có địa hình phức tạp nên việc vận chuyển vật tư để xây dựng nhà ở khó khăn, chi phí vận chuyển cao, gây nhiều trở lại cho trương trình. Tuy nhiên, Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các xã xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện theo từng mốc thời gian; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở đúng kế hoạch. Việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tích cực hưởng ứng, hỗ trợ, đóng góp là cơ sở quan trọng để Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện nên đã về đích sớm so kế hoạch. Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay:

“Một số xã có cách làm rất sáng tạo. Tức là nguồn kinh phí chưa được phân bổ về, để đảm bảo cho người dân có nơi ở tốt hơn thì xã linh động sử dụng các nguồn kinh phí của địa phương cho ứng trước và xây dựng. Thông qua đó đến nay 100% nàh đã hoàn thành. Khi xây dựng chương trình này, rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đây, hạn chế tối đa việc người dân phá rừng lấy gỗ làm nhà. Qua theo dõi, kiểm tra gần như không có hộ dân vào rừng phá rừng lấy gỗ làm nhà”.

VOV Miền Trung

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận