Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng, chuyển đổi xanh trong nhiệm kỳ 2025-2030
VOV1 - Với tầm nhìn xa mang tính chiến lược, Đảng ta đã sớm xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện nhất quán trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng và được cụ thể hóa mạnh mẽ hơn qua các văn kiện Đại hội XII, XIII.

Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của Ngành Công Thương hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là hiện thực hoá mục tiêu chuyển đổi Ngành năng lượng theo hướng xanh hơn thông qua triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm phát triển ngành Công Thương theo hướng chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

 Trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 ngày 16/7/2025, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đã và đang là xu thế tất yếu, là định hướng phát triển được cộng đồng quốc tế đồng thuận và triển khai mạnh mẽ.

Với tầm nhìn xa mang tính chiến lược, Đảng ta đã sớm xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện nhất quán trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng và được cụ thể hóa mạnh mẽ hơn qua các văn kiện Đại hội XII, XIII.

Tại Đại hội XII, Đảng đề ra chủ trương: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên”; “Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các vật liệu thân thiện môi trường”.

Đại hội XIII tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặt ra chỉ tiêu giảm ít nhất 9% lượng phát thải trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó khẳng định quan điểm lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, xuyên suốt mà ngành Công Thương đã và đang thực hiện tốt theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng những năm qua: "Thực hiện Nghị quyết 55-NQ-TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và các Kết luận gần đây của Trung ương, Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai các Nghị quyết liên quan đến bảo vệ tài nguyên và môi trường, Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang đóng góp tích cực cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh của quốc gia nói chung và của ngành công thương nói riêng".

Cụ thể, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ trình quốc hội ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, tổ chức và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua các giai đoạn 2006-2011, 2012-2015 với kết quả cụ thể đáng khích lệ, như: đã tiết kiệm được từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2011 - 2015, tương đương với việc tiết kiệm từ 11 - 17 triệu tấn dầu quy đổi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Kế thừa và phát huy những kết quả quan trọng đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Đồng thời, trước yêu cầu trong tình hình mới về nhu cầu thị trường và cam kết của Việt Nam trên trường Quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ ̣9 vừa qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó đã bổ sung các nội dung theo hướng tăng cường các quy định thực thi các giải pháp SDNLTKHQ, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển mô hình tổ chức dịch vụ năng lượng ESCO, phát triển mạnh thị trường trang thiết bị hiệu suất năng lượng cao, khơi thông nguồn lực tài chính cho đầu tư tiết kiệm năng năng lượng thông qua cơ chế Quỹ.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 ngày 16/7/2025, trong 06 kết quả nổi bật của Ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tới đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi bổ sung và ban hành mới đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp:

"Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, ban hành trên 250 văn bản pháp luật và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Trong đó, tôi đánh giá cao nhất là việc vừa qua chúng ta đã trình Quốc hội và thông qua được thậm chí là ngay trong một kỳ họp Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), rồi các Nghị định khác… Cái quan trọng nhất của việc này là những kết quả trên có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược rất sâu sắc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tạo đột phá về thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước ta".

Đại diện Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cũng khẳng định, việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bộ Công Thương trong thời gian qua đã, đang và sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia nói chung và của ngành công thương nói riêng. Đây tiếp tục là những nhiệm vụ được triển khai thực hiện quyết liệt trong giai đoạn 2025-2030 góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Ngành Công Thương và Đất nước trong kỷ nguyên mới!

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận