
Phát biểu khai mạc Phiên chính thức Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong giai đoạn 5 năm (2020-2025) đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn.
Cụ thể, Ngành đã tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực tự chủ. Quá trình tái cơ cấu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Công nghiệp tiếp tục được mở rộng, giữ vai trò động lực tăng trưởng với chỉ số sản xuất bình quân tăng 6,3%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và tăng trưởng ổn định. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, giảm dần khai khoáng, phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hàng chế biến, chế tạo chiếm 85% vào năm 2025; nhiên liệu, khoáng sản giảm dưới 1%. Thị trường xuất khẩu mở rộng, giảm lệ thuộc vào thị trường châu Á, tăng giao thương với châu Mỹ, châu Âu; ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xanh; nhập khẩu thiết bị hiện đại. Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, thực hiện 17 FTA; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng khá, năng lực hội nhập được nâng cao.
Thị trường trong nước hiện đại hóa mạnh mẽ; thương mại hiện đại chiếm 30% bán lẻ; thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18-25%/năm, dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tăng cường tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai quyết liệt, hiệu quả; giai đoạn 2021-2025, kiểm tra gần 290.000 vụ, xử lý gần 200.000 vụ vi phạm. Công tác hoàn thiện thể chế, nhất là trong quản lý kinh doanh xăng dầu, được đẩy mạnh, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành trên 250 văn bản pháp luật (gồm 05 luật, 51 nghị định) và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi); cùng các nghị định về thương mại điện tử, xăng dầu, khí, điện lực, thị trường, ngoại thương…, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hạ tầng năng lượng và thương mại tiếp tục được phát triển đồng bộ, hiện đại. Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện quy hoạch, thể chế năng lượng - khoáng sản, tạo nền tảng pháp lý minh bạch, thống nhất. Nguồn và lưới điện được đầu tư mạnh với sự tham gia của tư nhân, nhiều dự án trọng điểm đã vận hành hiệu quả. Hệ thống dầu khí phát triển đồng bộ, đảm bảo cung ứng 15,5 triệu tấn xăng dầu/năm.
Hạ tầng thương mại phát triển nhanh với hơn 1.200 siêu thị, 300 trung tâm thương mại; thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chủ lực. Hệ thống logistics mở rộng với 30.000 kho bãi, 6 trung tâm cấp 1; chỉ số hiệu quả logistics tăng 10 bậc, từ 53 lên vị trí 43 (năm 2023).
Với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ trì đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam ký thêm 4 FTA, nâng tổng số lên 17 hiệp định với 65 đối tác, đồng thời đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện có. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xử lý linh hoạt các vấn đề thương mại, bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định quan hệ đối ngoại.
Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả…
Một số kết quả cụ thể: Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt, chiếm trên 30% GDP. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao. Thị trường trong nước giữ vai trò trụ cột, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 8,1%/năm; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ, là động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia…
Với chủ đề “Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của ngành Công Thương trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới”, Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030 phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành Công Thương giai đoạn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn này, trong đó: tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5-14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10-12%/năm; Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm; Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm...
Một số hình ảnh Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Đại hội:
PV Nguyên Long
Bình luận