Ký kết & nâng cấp FTA, tăng trưởng xuất khẩu cao: Dấu ấn nổi bật của Bộ Công Thương GĐ 2020-2025
VOV1 - Giai đoạn 2020-2025, hoạt động xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế XK hàng đầu thế giới, kim ngạch XNK năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.

Trên nền tảng những thành quả đã đạt được, Nhiệm kỳ 2020-2025 đã ghi dấu ấn quan trọng của Đảng bộ Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành tiếp tục chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết trước mắt, vừa mang ý nghĩa lâu dài. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế thế giới thông qua tiếp tục ký kết và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn với khai mở các thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nghe âm thanh tại đây:

Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam đã ký kết 04 hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Usrael, FTA Việt Nam - Vương Quốc Anh và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Riêng với Hiệp định CEPA được ký kết năm 2024 sau một thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (chỉ trong vòng 16 tháng) đã giúp khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi và thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Cùng với những bước đi chủ động trong chính sách hội nhập thương mại quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ về đàm phán nâng cấp các FTA đã ký kết, mở ra cơ hội thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường thu hút đầu tư và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ghi nhận: "Với cục diện đối ngoại thuận lợi hiện nay thì công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chúng ta tiếp tục khai thác hiệu quả những thị trường truyền thống thông qua các hiệp định thương mại tự do chúng ta đã có, rất hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta cũng tiếp tục theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đột phá vào các thị trường mới, nhiều tiềm năng, và chúng ta đột phá, và đến nay là thành công vào thị trường Trung Đông và tới đây là vào châu Phi, Mỹ La Tinh, Nam Á, mấy chỗ đó là trọng điểm, chúng ta phải tiếp tục mở rộng ra".

Một trong những điểm sáng nổi bật nữa của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2020-2025 phải kể đến là việc tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững thay cho phát triển xuất khẩu nhanh, gắn với các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương đây là điểm mới quan trọng của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022: "Chiến lược cũng đưa ra các mục tiêu về tăng trưởng theo thị trường, theo mặt hàng để cụ thể hơn quan điểm là phát triển một cách cân đối, hài hòa về mặt cơ cấu thị trường cũng như cán cân thương mại với các đối tác. Một trong những định hướng rất quan trọng của Chiến lược đó là mục tiêu cán cân thương mại lành mạnh và hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt. Nhiệm vụ này cũng để triển khai quan điểm phát triển xuất nhập khẩu một cách bền vững, bởi vì nếu như cán cân thương mại mà ở mức bất hợp lý, đặc biệt là đối với các đối tác chủ chốt của chúng ta thì sẽ tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến sự phát triển liên tục của xuất khẩu".

Không dừng lại ở việc tham mưu chính sách, tham gia đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương như Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Phát triển Thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại... đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, mở rộng xúc tiến thương mại, và phát triển thương hiệu quốc gia. Công tác truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA cũng được đẩy mạnh, giúp hàng Việt vươn xa ra thị trường thế giới.

Luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới đặc biệt ghi nhận những dấu ấn của ngành Công Thương trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và khai mở thị trường trong giai đoạn vừa qua: "Trong thời kỳ phát triển kinh tế vừa qua thì xuất khẩu là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế đất nước, thì Bộ Công thương mà cụ thể là dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Công thương thì đã làm tốt nhiệm vụ này. Ví dụ như chúng ta đã triển khai rất là tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Và Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các hiệp định thương mại tự do thì đã góp phần rất tích cực và rất là hiệu quả trong việc tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu vào các thị trường, trong đó có những thị trường mới, những thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Canada và Asean; Và đặc biệt là những nỗ lực trong đàm phán chính sách thuế đối ứng của Mỹ thời gian vừa qua…"

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2020-2025, hoạt động xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.

Cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hàng chế biến, chế tạo chiếm 85% vào năm 2025. Thị trường xuất khẩu mở rộng, giảm lệ thuộc vào thị trường châu Á, tăng giao thương với châu Mỹ, châu Âu; ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xanh; nhập khẩu thiết bị hiện đại. Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, thực hiện 17 FTA; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng khá, năng lực hội nhập được nâng cao.

Tinh thần chủ động ứng phó trước các biến động toàn cầu, nhất là khi nhiều nền kinh tế lớn gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó có việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu vào nước này - bao gồm cả hàng hóa từ Việt Nam. Trước thực tế đó, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương được Chính phủ tin tưởng giao làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về thoả thuận thương mại đối ứng với Hoa Kỳ càng cho thấy vai trò, trọng trách lớn lao của ngành Công Thương cũng như cá nhân người đứng đầu Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này.

Song song với đó, Bộ Công Thương đã chú trọng nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, một công cụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Các vụ kiện phòng vệ ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp đòi hỏi sự chủ động, chuyên nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước và bản lĩnh thích ứng của doanh nghiệp. Việc thiết lập các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong nước đã được triển khai bài bản, phù hợp cam kết quốc tế.

Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương trong giai đoạn tới, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cần làm tốt hơn công tác hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất khẩu theo hướng xanh, sạch, cho giá trị gia tăng cao: "Thứ nhất là chúng ta phải chuyển sang sản xuât, xuất khẩu những mặt hàng mà có giá trị cao, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, dựa trên tay nghề cao, dựa trên hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thì đấy là cái mà chúng ta hiện nay đang làm, nhưng mà muốn làm được cái đó thì chúng ta phải đầu tư rất lớn, chúng ta phải thay đổi rất nhiều. Chúng ta phải có quyết tâm chính trị là đầu tiên, nhưng rồi phải có doanh nghiệp cũng phải tích cực tham gia, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, để tạo ra những sản phẩm mới, rồi những sản phẩm có giá trị đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, rồi phải cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài… tất cả những điều đó là mục tiêu Chiến lược xuất nhập khẩu mới của chúng ta đặt ra".

Phát huy các kết quả đạt được, Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới gắn với tổ chức triển khai hiệu quả các FTA; mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao nội lực và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại với các thị trường tiềm năng, có lợi thế bổ trợ. Kết hợp hài hòa, tương hỗ giữa mở rộng hội nhập bên ngoài với đẩy mạnh tăng trưởng bên trong theo hướng tập trung thực thi các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường đầy đủ, nâng cao năng lực hội nhập của các ngành, địa phương, doanh nghiệp…/.

PV Nguyên Long

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận