Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ quan điểm phản đối việc nới lỏng trừng phạt Nga – một trong những điều kiện mà Nga đưa ra để yêu cầu ngừng bắn.
Tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, các điều kiện mà Nga đưa ra về lệnh ngừng bắn ở Biển Đen là “không thực tế” và Nga đang cố gắng kéo dài các cuộc đàm phán để chiếm thêm lãnh thổ.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhận định, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga vào thời điểm hiện tại sẽ là “thảm họa cho ngoại giao”.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, hiện chưa đến lúc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo ông Macron, các nước cần tiếp tục gây sức ép lên Nga và đội tàu chở dầu ngầm của nước này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đánh giá dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng”, khi cho rằng Nga chưa thực sự muốn hòa bình: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là việc dừng các lệnh trừng phạt vào thời điểm này sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Các lệnh trừng phạt phải được tiếp tục, chúng cũng sẽ phải được tăng cường hơn nữa. Châu Âu và Mỹ phải cùng nhau có lập trường rõ ràng để chúng ta có thể tiếp tục sử dụng cơ hội này để hỗ trợ Ukraine. Việc chấm dứt các lệnh trừng phạt khi hòa bình thực sự chưa đạt được là vô nghĩa. Thật không may là chúng ta vẫn còn rất xa mục tiêu đó”
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng cho rằng, áp lực kinh tế dành cho Nga cần được giữ nguyên. Trong khi, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh, châu Âu cần tìm cách có chính sách chung đối với Nga ngay cả khi Hungary – quốc gia được cho có mối quan hệ tốt với Nga “không đồng ý”.
Liên quan đến số tài sản của Nga bị đóng băng trị giá 230 tỷ Euro, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, số tiền này có thể được sử dụng cho mục đích tái thiết trong tương lai như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Sau hơn ba giờ thảo luận, các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine đều nhất trí sẽ thành lập một lực lượng quân đội gửi tới Kiev để bảo đảm an ninh trong trường hợp một hỏa thuận ngừng bắn với Nga được thiết lập. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các cơ chế “bảo đảm an ninh” đang được các đồng minh thảo luận và tiếp tục “hoàn thiện” trong thời gian tới. Lực lượng này sẽ bao gồm quân đội của nhiều quốc gia và sẽ được điều động đến một số địa điểm chiến lược tại Kiev. Tuy nhiên, đây là điều phía Nga nhiều lần lên tiếng không chấp thuận và cho rằng một lực lượng như vậy sẽ bị coi là bên tham chiến. Theo Nga, một lực lượng dân sự sẽ là bên giám sát thỏa thuận hòa bình Ukraine, nếu có./.
Đình Nam/Ban Thời sự VOV1
Bình luận