Thuế quan của Mỹ chính thức có hiệu lực, nỗi lo suy thoái toàn cầu gia tăng
VOV1 - Thuế nhập khẩu cơ bản 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ chính thức có hiệu lực ngày 5/4, trong khi các mức thuế cao hơn dự kiến sẽ được áp dụng vào tuần tới.

Vòng áp thuế mới nhất của Tổng thống Donald Trump đã kéo thuế quan của Mỹ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ. Các quốc gia đang tìm cách ứng phó trong bối cảnh lo ngại nỗi lo suy thoái toàn cầu gia tăng.

Trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Donald Trump một lần nữa bảo vệ quyết định của mình khi viện dẫn quyền hạn kinh tế khẩn cấp để giải quyết các vấn đề được cho là liên quan đến thâm hụt thương mại của đất nước. Theo Nhà lãnh đạo Mỹ, đây là một cuộc cách mạng kinh tế và nước Mỹ sẽ chiến thắng.

Kể từ khi trở lại Nhà trắng, ông Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu đối với Canada và Mexico, với lý do sự gia tăng tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu fentanyl, đồng thời áp dụng mức thuế bổ sung 20% ​​đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Tính đến ngày 9/4, mức thuế bổ sung đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng lên 54%. Thuế quan 25% đối với ô tô cũng có hiệu lực trong tuần này và chủ sở hữu xe Jeep là Stellantis đã tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy lắp ráp tại Canada và Mexico. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, đợt đánh thuế toàn cầu mới của ông Trump đánh dấu "mức tăng thuế quan sâu rộng nhất kể từ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 từng dẫn tới chiến tranh thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái. 

Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ khi tuyên bố áp thuế trả đũa 34% đối với các sản phẩm của Mỹ kể từ ngày 10/04. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong công nghệ y tế và điện tử cao cấp.

Nhiều đối tác thương mại của Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối chính sách thuế của Mỹ nhưng vẫn tỏ ra thận trọng và tránh đưa ra các biện pháp trả đũa ngay lập tức trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hay các biện pháp thay thế nhằm giải quyết vấn đề thuế quan của Mỹ. Liên minh châu Âu hiện phải đối mặt với mức thuế 20%. Khối này cho biết sẽ hành động thống nhất và thận trọng theo từng giai đoạn và dành thời gian cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu cũng cảnh báo “sẽ không đứng yên”. Pháp và Đức cho biết EU có thể đáp trả bằng cách áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết:  "Đây là một cuộc tấn công vào trật tự thương mại đã tạo ra sự thịnh vượng trên toàn thế giới. Một trật tự thương mại về cơ bản là kết quả của những nỗ lực của Mỹ. Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu thiệt hại từ những quyết định thiếu cân nhắc này, các công ty và người tiêu dùng trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Mỹ."

Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer đang tìm cách phối hợp hành động với các nước khác và hôm 4/4 đã có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Australia và Italia. Theo Nhà lãnh đạo Anh, phản ứng của của nước này sẽ được định hướng bởi lợi ích quốc gia" và các quan chức sẽ "bình tĩnh tiếp tục công tác chuẩn bị, thay vì vội vàng trả đũa". “Không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Điều đó không nằm trong lợi ích quốc gia của chúng ta. Và chúng ta có mối quan hệ thương mại công bằng và cân bằng với Mỹ. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thịnh vượng kinh tế, một thỏa thuận củng cố mối quan hệ thương mại hiện tại của chúng ta vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi sẽ đấu tranh để có được thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh."

 Chính phủ Nhật Bản cũng  kêu gọi một cách tiếp cận "bình tĩnh" sau khi ông Trump công bố mức thuế 24% đối với hàng hóa sản xuất tại nước này. Trong khi đó, Thời báo Israel đưa tin, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhà Trắng để đàm phán trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Theo Oxford Economics, các thời hạn được đưa ra theo từng giai đoạn của ông Trump tạo điều kiện cho các quốc gia đàm phán. Tuy nhiên, nếu không được hoãn áp thuế, thì các nước có khả năng sẽ trả đũa, giống như Trung Quốc và khi đó nguy cơ chiến tranh thương mại dường như là khó tránh khỏi, với những hệ luỵ mang quy mô toàn cầu

Thu Hoài/VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận