Theo số liệu thống kê, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Kumamoto đã hoàn thành 272 đơn vị nhà ở công cộng dành cho các nạn nhân của thiên tai, tương đương 96% tổng số nhà ở theo kế hoạch. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm dân số ở các thành phố dọc theo Sông Kuma thuộc địa phương này, đang ở mức đáng báo động. Cụ thể, so sánh số liệu thống kê dân số ở làng Kuma tính từ ngày 01/06/2020 - thời điểm ngay trước khi xảy ra thảm họa lũ lụt là 3.212 người, nhưng đến ngày 01/05 vừa qua, dân số ở làng này chỉ còn lại 1.626 người, suy giảm tới 49,38%, trong khi ở một số khu vực khác như thị trấn Ashikita giảm 14,02%, thành phố Hitoyoshi giảm 9,58%...
Theo cuộc khảo sát do đài NHK tiến hành đối với hơn 1.000 hộ gia đình ở làng Kuma để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm dân số nghiêm trọng này. Kết quả phản hồi cho thấy, có 66% cho biết cảm thấy có nhiều “bất tiện trong cuộc sống hàng ngày”, 44% cho rằng do “sự chậm trễ trong việc tái thiết” và 42% bày tỏ “lo ngại về rủi ro thiên tai”. Ngoài ra, khi được hỏi về khả năng cân nhắc rời khỏi địa phương sau thảm họa lũ lụt, 36% trả lời “mong muốn rời đi”, 55% trả lời “không”, trong khi có 4% trả lời “không biết”. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, sau khi thảm họa lũ lụt xảy ra, tuyến tàu địa phương ngừng hoạt động, khiến nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc đến trường, việc đưa đón các em cũng là gánh nặng đối với nhiều gia đình.

Giáo sư Yasuo Suzuki, thuộc trường Đại học Tokai - một người am hiểu về công cuộc tái thiết và phát triển cộng đồng của làng Kuma - cho biết: “Nhiều người dân quyết định ở lại sau thảm họa, nhưng vẫn băn khoăn về việc có nên chuyển đi hay không. Để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số thêm nữa, vấn đề không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng, mà còn phải tạo ra một môi trường nơi người dân có thể tiếp tục sống trong sự an tâm và an toàn, chẳng hạn như cải thiện hệ thống y tế, hỗ trợ phương tiện đi lại cho người già khi đi mua sắm…”.
Về vấn đề này, phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa tại tòa thị chính, Thị trưởng thành phố Hitoyoshi - ông Matsuoka Hayato - cho biết: “Việc tái thiết sau thảm họa không chỉ dừng lại ở việc khôi phục lại địa phương về trạng thái ban đầu, mà còn đòi hỏi phải tạo ra một môi trường mà mọi người dân đều mong muốn ở lại, tiếp tục phát triển và có nhiều du khách ghé thăm. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để các nạn nhân có thể tự hào về sự phục hồi của địa phương mình”.
Trong khi đó, em Yuma Sakaimine - một học sinh trung học năm thứ ba sinh sống tại thành phố Hitoyoshi - chia sẻ: “Em tin rằng, nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tự suy nghĩ và học hỏi từ quá khứ, truyền lại cho nhau những bài học quý giá, những ký ức về thảm họa, tất cả những điều này sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi thế hệ chúng ta”.
Theo chính quyền tỉnh Kumamoto, thảm họa lũ lụt kinh hoàng xảy ra vào ngày 04/07/2020 đã khiến 67 người thiệt mạng, hơn 7.400 ngôi nhà bị hư hại, hệ thống hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Đến nay, 5 năm sau thảm họa này, Kumamoto vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó đáng kể nhất là sự sụt giảm dân số nghiêm trọng và yêu cầu về việc tạo dựng một môi trường sống an toàn đối với người dân địa phương./.
Ngọc Huân, Tuấn Nhật/ VOV Nhật Bản
Bình luận