Quyết định hôm 9/4 của Tổng thống Donald Trump tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày được một số nhà phân tích mô tả là “Trump put” - một biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn biến động thị trường và dẫn đến một trong những đợt tăng giá mạnh nhất mọi thời đại trên Phố Wall .
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm đáng kể vào ngày hôm qua, phục hồi sau đợt bán tháo trái phiếu đi ngược lại xu hướng thông thường là tăng giá khi các nhà đầu tư rời khỏi cổ phiếu như đã làm kể từ tuần trước để tìm kiếm tài sản an toàn hơn.
Trong thông báo về lệnh tạm dừng áp thuế đối ứng, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã “theo dõi” thị trường trái phiếu và thừa nhận “mọi người đang hơi lo lắng”. Với chính sách thuế quan được cho là có khả năng gây lạm phát, việc lợi suất tăng liên tục có thể dẫn đến sự kết hợp của giá cả cao hơn, chi phí đi vay cao hơn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn nhiều hoặc thậm chí là suy thoái. Chuyên gia Ellie Henderson tại Investec cho rằng, động thái trái phiếu sẽ khiến Nhà lãnh đạo Mỹ phải lo lắng hơn là đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán do tác động lan tỏa đến lãi suất thế chấp.
"Chúng tôi không thể nói rằng biến động trên các thị trường đã kết thúc …Những biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ chắc chắn đóng vai trò nào đó. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tại một thời điểm đã tăng 50 điểm cơ bản chỉ trong vài ngày, và có vẻ như chính phản ứng trên thị trường trái phiếu đã thúc đẩy Tổng thống Donald Trump tiếp tục tạm dừng trong 90 ngày, không nhất thiết là sự sụt giảm liên tiếp trên thị trường chứng khoán."
Lợi suất trái phiếu ở những nơi khác cũng thay đổi trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi trên khắp châu Âu và tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại Anh, lợi suất trái phiếu 30 năm của Anh hôm 9/4 tăng vọt tới 30 điểm cơ bản và kết thúc ở mức cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản để đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ năm 1998, đã giảm 17 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu Đức nhìn chung cũng cao hơn
Trước khi ông Donald Trump thông báo việc hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày, thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ xảy ra tình trạng bán tháo, khiến giá lao dốc. Các nhà đầu tư đồn đoán có thể khi đó Trung Quốc và Nhật Bản đang bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ và tình hình có thể trở nên đáng lo ngại với Nhà Trắng. Nhật Bản và Trung Quốc là hai trái chủ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ lần lượt 1.060 tỷ USD và 759 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 12/2024. Chuyên gia John Higgins tại Capital Economics, cho biết một lý do khiến thị trường trái phiếu đảo chiều là do sự đánh giá lại về lộ trình của chính sách tiền tệ. Ông nói thêm rằng mặc dù tâm lý đã thay đổi, vẫn còn rất nhiều điều không rõ ràng về việc liệu các quốc gia có thể ký kết thỏa thuận với Mỹ hay không và theo những điều khoản nào,cũng như Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao./.
Thu Hoài/VOV1
Bình luận