Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay đã chính thức có hiệu lực trên toàn cầu. Điều này tạo ra nhiều áp lực cho các nền kinh tế buộc các chính phủ phải xây dựng kế hoạch ứng phó. Những kế hoạch này dựa trên lợi ích của từng quốc gia đồng thời tính đến các yếu tố như quan hệ chung với Mỹ, các nghĩa vụ theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự thay đổi chuỗi cung ứng, các lĩnh vực có đòn bẩy đàm phán tiềm năng và lo ngại về sự trả đũa tiếp theo của Mỹ.
Ô tô là một trong số những ngành công nghiệp bị tác động mạnh nhất bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu. Mức thuế này bao gồm hơn 460 tỷ đô la giá trị nhập khẩu xe cộ và phụ tùng ô tô hàng năm của Hàn Quốc. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc sang Mỹ đạt 34,7 tỷ đô la, chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của nước này. Để ứng phó, hôm nay, Chính Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành ô tô của nước này. Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok cho biết
"Chúng tôi thảo luận về các biện pháp ứng phó khẩn cấp cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đang phải đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng do tác động của thuế quan gần đây. Đầu tiên, chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các công ty bị ảnh hưởng bởi thuế quan , chẳng hạn như các nhà sản xuất phụ tùng. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng thương mại chưa từng có này, chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ táo bạo phù hợp với tình hình khẩn cấp này."
Theo đó, Hàn Quốc sẽ tăng hỗ trợ tài chính chính sách cho các nhà sản xuất ô tô lên 15 nghìn tỷ won (tương đương 10,18 tỷ đô la) trong năm nay so với mức 13 nghìn tỷ won (8,8 tỷ đô la) đã lên kế hoạch trước đó. Chính phủ cũng sẽ giảm thuế mua ô tô từ mức 5% hiện tại xuống còn 3,5% cho đến tháng 6 năm nay và tăng trợ cấp xe điện lên 30%-80% so với mức 20-40% hiện tại với thời hạn kéo dài thêm sáu tháng cho đến cuối năm nay.
Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm qua cho biết nước này sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ, song nhấn mạnh chỉ ký kết nếu thỏa thuận đó “phù hợp với lợi ích quốc gia”.
"Thông điệp của tôi gửi đến các bạn ngày hôm nay rất đơn giản. Đây là thời điểm đầy thử thách. Vì vậy, nước Anh sẽ giữ bình tĩnh và đấu tranh cho thỏa thuận tốt nhất với Mỹ. Chúng ta đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này trong vài ngày qua. Nhưng nước Anh cũng sẽ làm việc với các đối tác chính của mình để giảm rào cản thương mại trên toàn cầu, để đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại với phần còn lại của thế giới và ủng hộ mục tiêu thương mại tự do và cởi mở trên toàn cầu." - Thủ tướng Anh nói.
Thủ tướng Starmer được cho là đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp, Đức, Canada, Ủy ban châu Âu và Singapore nhằm thảo luận về cách phản ứng trước chính sách thuế mới của Mỹ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm qua cũng đã ký sắc lệnh khẩn cấp về kinh tế. Theo ông Maduro, sắc lệnh này nhằm mục đích bảo vệ sự cân bằng kinh tế của đất nước trước tình trạng áp thuế và hủy bỏ giấy phép của Mỹ.
"Tình trạng khẩn cấp về kinh tế được ban bố trên toàn lãnh thổ quốc gia do những hoàn cảnh bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước, khu vực và thế giới. Các quy định và biện pháp khẩn cấp, cần thiết để duy trì sự cân bằng kinh tế của quốc gia và đảm bảo người dân được hưởng đầy đủ các quyền của mình. Trước những hoàn cảnh quốc tế và tác động của cuộc chiến thương mại sắc lệnh khẩn cấp về kinh tế là hành động để bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Để thúc đẩy nền kinh tế và tiến lên phía trước." - Tổng thống Maduro cho biết. Sắc lệnh của Tổng thống Maduro sẽ phải chờ Quốc hội nước này phê chuẩn.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh “Nhiệm vụ của chúng ta không phải là phàn nàn mà là tìm kiếm các giải pháp hoặc hành động, cũng như các khuyến nghị của các doanh nghiệp, liên quan đến hành động của tôi tại châu Âu, nhằm bảo vệ Ba Lan hoặc ít nhất là giảm thiểu những tác động tiêu cực của các mức thuế quan cao này . Tôi không muốn nói về một cuộc chiến thuế quan, mặc dù một số người sử dụng cụm từ này."
Bên cạnh các quốc gia quan tâm đến việc đàm phán thì cũng có nhiều quốc gia khác đã báo hiệu khả năng cắt giảm thuế quan đơn phương, thậm chí một số quốc gia cũng đưa ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ như Trung Quốc, Canada. Liên minh Châu Âu cũng đang nói về nhu cầu đạt được một thỏa thuận công bằng trong khi lưu ý rằng họ đã sẵn sàng trả đũa nếu đàm phán thất bại. Hôm nay, EU dự kiến công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế quan từ 10-25% khi vào EU.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không có cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả các quốc gia để ứng phó với thuế quan của Tổng thống Trump. Thay vào đó, các quốc gia sẽ có sự lựa chọn thực tế để giảm thiểu tổn thương đối với nền kinh tế trước sự thay đổi chính sách bất ngờ này.
Châu Anh
Bình luận