Được triển khai từ năm 2018, LEZ nhanh chóng trở thành trụ cột trong chiến lược môi trường và giao thông bền vững của thành phố. Bà Sarah Hollander, Cơ quan Môi trường Brussels cho biết:
"Những khu vực ô nhiễm nhất tại Brussels chủ yếu là trung tâm thành phố, vành đai trong và ngoài– nơi giao thông đông đúc. Ngoài ra, các tuyến đường nhỏ, hẹp hay còn gọi là "hẻm núi đô thị" cũng gặp khó khăn trong việc lưu thông không khí, gây ô nhiễm cao. Kể từ khi bắt đầu áp dụng vào năm 2018 đến năm 2023, nồng độ khí NO₂, chủ yếu phát thải từ xe diesel đã giảm tới 40%, đặc biệt ở các khu vực từng ô nhiễm nghiêm trọng nhất như trung tâm và các tuyến đường hẹp. Vùng phát thải thấp đã có tác động tích cực đến chất lượng không khí ở Brussels.”

Tháng 10/2024, Nghị viện vùng Brussels quyết định lùi giai đoạn siết chặt tiếp theo từ 1/1/2025 sang 1/1/2027 nhằm tạo thêm thời gian cho người dân và doanh nghiệp thích nghi. Đồng thời, thành phố công bố lộ trình chuyển đổi tổng thể, kết hợp mốc thời gian cụ thể với các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật- tài chính, để đảm bảo quá trình loại bỏ xe xăng dầu được thực hiện công bằng và bền vững. Chính quyền Brussels cũng đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ linh hoạt để quá trình chuyển đổi trở nên khả thi hơn. Các chương trình như “Mobility Coach” cung cấp tư vấn cá nhân hóa về phương án di chuyển thay thế, trong khi “Bruxell’air” khuyến khích người dân từ bỏ xe cá nhân bằng trợ cấp từ 500 đến 1.000 euro. Những người chưa thể thay xe ngay được phép mua tối đa 24 thẻ đi lại trong ngày mỗi năm theo đầu xe, và một số nhóm đặc biệt có thể được miễn trừ theo quy định cụ thể. Với doanh nghiệp, thành phố hỗ trợ tư vấn và tài chính để chuyển đổi đội xe và xây dựng hạ tầng sạc điện, nhằm giảm thiểu chi phí và rủi ro kinh tế trong quá trình chuyển đổi. Hiện tại, mức độ tuân thủ LEZ tại Brussels được đánh giá cao, với chưa đến 1% phương tiện lưu thông không đạt chuẩn.
Trước một số ý kiến cho rằng LEZ gây bất lợi cho người thu nhập thấp, Bà Sylvie Gaïda, Công ty nghiên cứu Stratec cho biết:
“Theo tôi, LEZ là cách tiếp cận công bằng về mặt sức khỏe và môi trường. Người có thu nhập cao thường sở hữu nhiều xe hơn, nên chính họ mới là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, người có thu nhập thấp vốn ít có xe, hoặc sử dụng ít lại sống ở những khu vực ô nhiễm nặng nhất, nên họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ không khí sạch. Tất nhiên, vẫn có một bộ phận hộ nghèo sử dụng xe cũ hàng ngày để đi làm. Nhưng giải pháp không phải là trì hoãn, mà là mở rộng các biện pháp hỗ trợ phù hợp theo từng hoàn cảnh. Bên cạnh đó, cũng cần truyền thông rõ ràng về lợi ích của việc hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch.”
Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng cải thiện chất lượng không khí giúp giảm gánh nặng bệnh tật và tiết kiệm hàng chục triệu euro cho hệ thống y tế. Tính đến 2020, hơn 250 thành phố châu Âu đã áp dụng LEZ. Tại Pháp, từ 1/1/2025, tất cả đô thị trên 150.000 dân sẽ bắt buộc triển khai mô hình này. Thực tiễn cho thấy, nếu được hỗ trợ đúng cách, người dân sẵn sàng thay đổi. Các chương trình trợ giá xe điện tại Pháp đã vượt xa kỳ vọng về mức độ tham gia.
Việc phát triển các khu vực phát thải thấp không chỉ là chính sách giao thông, mà còn thể hiện cam kết của Brussels với phát triển bền vững và công bằng xã hội. Với lộ trình rõ ràng, hệ thống hỗ trợ toàn diện và mục tiêu dài hạn nhất quán, Brussels đang tiến gần hơn tới hình ảnh một đô thị xanh- nơi không khí sạch, giao thông sạch và tương lai sạch là quyền lợi chung của mọi cư dân. Công bằng không có nghĩa là ai cũng bị ảnh hưởng như nhau, mà là người dễ tổn thương nhất được hỗ trợ đúng cách để không bị bỏ lại phía sau./.
Thu Hoài
Bình luận