Việt Nam hướng đến trở thành nhà cung cấp thực phẩm Halal uy tín của khu vực
VOV1 - Trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu không ngừng mở rộng và chuẩn hóa, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thực phẩm Halal.

Điều này mở ra một hướng đi chiến lược, nhằm gia tăng giá trị thương mại và mở rộng thị phần của doanh nghiệp Việt tại các thị trường Hồi giáo giàu tiềm năng. Đây là nhận định vừa được đưa ra trong Báo cáo kinh tế số tháng 6 của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei. 

Theo báo cáo kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, thị trường Halal tại Đông Nam Á đang mở ra nhiều cơ hội quan trọng cho ngành nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam. Với vị trí địa lý gần gũi, chi phí logistics cạnh tranh và năng lực sản xuất ổn định, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia có nhu cầu cao về sản phẩm Halal trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore và thậm chí mở rộng sang các khu vực khác trên thế giới, với những quốc gia có đông người theo đạo Hồi như Pakistan.

Trong đó, Indonesia hiện là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường Halal được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, đạt mốc 282 tỷ đô-la vào năm 2025. Các mặt hàng nông sản Việt Nam như trái cây tươi, rau củ, hạt điều, gia vị và thực phẩm chế biến đã và đang từng bước tiếp cận người tiêu dùng Indonesia thông qua hệ thống phân phối hiện đại và thương mại điện tử.

Tại Malaysia và Singapore, mặc dù chứng nhận Halal không bắt buộc cho mọi mặt hàng nhập khẩu, nhưng đây vẫn được xem là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin với đối tác phân phối và người tiêu dùng bản địa. Đặc biệt, Singapore được coi là trung tâm phân phối Halal toàn cầu, nơi hàng hóa Việt Nam có thể lan tỏa ra nhiều thị trường lớn khác trong khu vực và trên thế giới.

Còn Pakistan cũng là một trong những quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới. Điều này tạo nên một thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn và ổn định. Quốc gia này cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại thực phẩm Halal như thực phẩm chế biến, thị gia cầm, sản phẩm nông sản,.. Với những đặc điểm này, Pakistan cũng được coi là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực Halal của Việt Nam. 

Để Việt Nam tận dụng tiềm năng phát triển ngành Halal, báo cáo kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đầu tư vào công nghệ, chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu và phối hợp với các cơ quan chức năng. Đây là những bước đi then chốt để gia tăng sản lượng xuất khẩu và xây dựng vị thế là nhà cung cấp thực phẩm Halal uy tín và chất lượng trong khu vực.

Trong  bối cảnh khu vực cũng đang thay đổi nhanh chóng với các sáng kiến lớn nhằm chuẩn hóa chuỗi giá trị Halal, Việt Nam cần chủ động hòa nhập, nâng cao tiêu chuẩn và tham gia sâu hơn vào hệ thống thương mại Halal được chuẩn hóa và công nhận rộng rãi. Đây là bước đi quan trọng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt trên toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Pakistan Jam Kamal Khan khuyến nghị: "Tôi thấy Việt Nam đang hợp tác với các nước thuộc vùng vịnh và các khu vực khác nhằm phát triển tiềm năng của thị trường Halal. Nhưng để các sản phẩm thực sự là Halal, cần phải có chứng nhận. Để làm được điều này, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Malaysia bởi đó là quốc gia có tiêu chuẩn chứng nhận Halal rất cao. Nếu Việt Nam đang hướng tới thúc đẩy ngành công nghiệp Halal, thì đây là những cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước chúng ta có thể tìm kiếm."

Thị trường thực phẩm Halal đang nổi lên như một trong những động lực tăng trưởng mới của xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến tại khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi, năng lực sản xuất dồi dào và ngày càng chủ động hơn trong việc chuẩn hóa quy trình theo tiêu chuẩn Halal, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành nhà cung cấp thực phẩm Halal uy tín trong khu vực và trên toàn cầu./

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận