Pakistan mong muốn thành lập liên doanh thương mại với Việt Nam
VOV1 - Pakistan mong muốn thành lập các liên doanh thương mại với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực tiềm năng, từ đó giúp hai nước mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Bộ trưởng Thương mại Pakistan, ông Jam Kamal Khan đã chia sẻ như vậy trong buổi trò chuyện với PV Đài TNVN nhân chuyến thăm và tham dự kỳ họp Tiểu ban Hỗn hợp về Thương mại Việt Nam - Pakistan lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội. 

1. Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pakistan đã có nhiều bước tiến đáng khích lệ. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 850 triệu đô-la. Vậy ông đánh giá như thế nào về những kết quả này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Jam Kamal Khan: Việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước là kết quả tiếp nối từ cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Pakistan và Thủ tướng Việt Nam vào cuối năm ngoái. Hai bên đã trao đổi một cách cởi mở, thân thiện, tập trung vào các nội dung như cùng phát triển thương mại, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, công nghệ và xu hướng mới để cùng hưởng lợi. Đó thực sự là chuyến thăm rất có ý nghĩa của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Pakistan. 

Bên cạnh đó, trong năm qua, các doanh nghiệp Pakistan đã thực sự mở rộng được thị trường của mình tại Việt Nam. Điều này là do các doanh nghiệp hai nước có sự tương tác sâu rộng hơn. Chúng tôi rất vui khi được thấy các đoàn thương mại Việt Nam đã đến tham dự các hội chợ quy mô lớn của Pakistan ở Lahore và Karachi. Chúng tôi tập trung vào việc tăng năng suất và giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.  

Và giờ đây, tôi cũng rất vui khi cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Thương mại (JTC) Pakistan - Việt Nam lại tiếp tục diễn ra sau một thời gian dài, với cuộc họp trước đó đã diễn ra từ cách đây tới 8 năm. Điều này có được là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của cả hai chính phủ và của Đại sứ quán của hai quốc gia. 

Chính nhờ những điều này, tôi rất lạc quan rằng tương lai hợp tác giữa Pakistan và Việt Nam sẽ vô cùng tươi sáng. 

 

2. Vậy đâu là những dư địa hợp tác chiến lược giữa hai nước mà chúng ta cần chú trọng trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Jam Kamal Khan: Có rất nhiều lĩnh vực mà Pakistan và Việt Nam có thể hợp tác sâu rộng. 

Đổi mới và công nghệ là điều then chốt. Tôi biết Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực CNTT. Việt Nam đang có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Các bạn có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển. Trong khi đó, Pakistan cũng đang phát triển lĩnh vực công nghệ, có tiềm năng lớn với nguồn nhân lực trẻ. Pakistan có dân số khoảng 250 triệu người, đa phần trong độ tuổi từ 15–30 tuổi. Nhiều người trong số đó đang khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, ngành giày dép, da thuộc của các bạn rất phát triển, trong khi Pakistan cũng có nền tảng tốt trong ngành này. Dệt may là lĩnh vực xuất khẩu chính của chúng tôi, đặc biệt là quần áo, hàng may mặc, ga trải giường, vải lanh và nhiều mặt hàng khác. Đây là một lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng. Trong tháng này cũng sẽ có một số đoàn doanh nghiệp Pakistan tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác. 

Ngoài ra, còn có các lĩnh vực tiềm năng khác như thực phẩm, nông nghiệp và dịch vụ. Pakistan chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô. Ở Việt Nam lại có nhiều sản phẩm nông nghiệp sấy khô, sấy lạnh có thị trường xuất khẩu rất tốt. Đây có thể là cơ hội cho cả hai bên hợp tác theo hình thức liên doanh. Tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu thực hiện được điều này, cả hai nước có thể tiếp cận các thị trường mới. Việt Nam có thể hợp tác với Pakistan vì chúng tôi rất gần châu Phi, đặc biệt là Đông Phi. Còn Pakistan lại có thể thông qua Việt Nam để tiếp cận các quốc gia Trung Á. Với những liên doanh này, cả hai quốc gia có thể thực hiện các thỏa thuận kinh tế ba bên với các quốc gia châu Phi, Trung Á và nhiều khu vực khác.

Nhìn chung, hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác. Một phần quan trọng là do chúng ta có nhiều điểm tương đồng, có sự gắn kết sâu sắc về văn hoá, đặc biệt là con người. 

3. Vậy theo Bộ trưởng, hai nước cần tiếp tục làm gì để tận dụng những tiềm năng này và thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai quốc gia trong tương lai? 

Bộ trưởng Jam Kamal Khan: Điều đầu tiên rất quan trọng là duy trì sự tương tác thường xuyên giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ, nhưng chính doanh nghiệp mới là những người nhìn thấy cơ hội và tính khả thi của từng lĩnh vực. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng các hiệp hội của Pakistan nên gặp gỡ nhiều hơn với phía Việt Nam và nên đến thăm nơi đây nhiều hơn. Chúng tôi sẽ lên kế hoạch đưa thêm các đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam, và cũng mong muốn đón tiếp các đoàn từ Việt Nam sang Pakistan tham dự hội chợ của chúng tôi. Đôi khi có nhiều cơ hội mà chính phủ không thể nhìn thấy, nhưng doanh nghiệp lại nắm bắt rất nhanh, nhất là trong thời đại thương mại điện tử, có rất nhiều startup, doanh nghiệp nhỏ có thể thấy được tiềm năng qua các nền tảng kỹ thuật số.

Vì vậy tôi nghĩ, các lĩnh vực chính như điện thoại, giày dép, dệt may, da, nông nghiệp, sản xuất nhỏ, đặc biệt là CNTT – đều có rất nhiều hy vọng và tiềm năng phát triển.

Ngoài ra, du lịch cũng là lĩnh vực chúng ta có thể tìm cách thúc đẩy hợp tác. Việt Nam là điểm đến tươi đẹp với nhiều du khách nước ngoài. Tương tự, Pakistan cũng là quốc gia có tiềm năng du lịch lớn. Các bạn có di sản văn hóa, các địa điểm tâm linh và nhiều điều khác. Việt Nam có lịch sử dài, từng trải qua chiến tranh và đã vượt qua và thành công tái thiết đất nước. Trong khi đó, Pakistan là nơi Phật giáo ra đời. Đức Phật từng xuất hiện tại thành phố Taxila. Tượng Phật khổ hạnh lớn nhất cũng nằm tại Lahore. Do đó, Pakistan thu hút được rất nhiều khách du lịch là các tín đồ Phật giáo. Người dân Pakistan thường đi du lịch tại Trung Đông, châu Âu, và cũng đến các nước Đông Á như Thái Lan, Malaysia. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến mới cho du khách Pakistan. Tuy nhiên, một thách thức hiện nay là giữa hai nước chưa có đường bay thẳng. Do đó, chúng tôi đang nỗ lực để thúc đẩy hợp tác về hàng không giữa hai quốc gia.  

Xin trân trọng cảm ơn ông Jam Kamal Khan, Bộ trưởng Thương mại Pakistan./.

Anh Thư

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận