Nhật Bản và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) chung tay hỗ trợ người dân vùng thiên tai
VOV1 - Hàng trăm hộ dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, sẽ có nhà tránh trú cộng đồng, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), do chính phủ Nhật Bản tài trợ, giải quyết nhu cầu sơ tán tạm thời của người dân địa phương, và tăng khả năng phục hồi trước các thảm họa.

Tại một địa điểm cao ráo ở xóm Bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, nơi có địa chất ổn định, không có nguy cơ lũ lụt, sạt lở, một khu nhà tránh trú cộng đồng được thiết kế đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra, rộng khoảng 500 mét vuông đang dần được hình thành. Khu nhà tránh trú này gồm một căn nhà rộng gần 200 mét vuông có khả năng đảm báo tránh trú cho 150 người cùng hệ thống nhà vệ sinh gồm 4 phòng riêng biệt và sân đổ bê tông để tập kết, lưu trữ trang thiết bị, nhu yếu phẩm khi thiên tai và là sân chơi, sinh hoạt thể thao cho người dân trong điều kiện thời tiết bình thường. Khu nhà tránh trú cộng đồng có tổng kinh phí khoảng 1,55 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 5 tới, trước thời điểm mùa mưa bão năm nay, sẽ giúp hàng trăm hộ dân tộc thiểu số ở xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có nơi trú ẩn an toàn khi thiên tai ập đến. Anh Lò Văn Thắng, người dân ở xóm Bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và cảm ơn những nhà tài trợ. Qua xem thiết kế, cấu trúc của công trình, thì tôi thấy công trình có kết cấu rất đảm bảo, để khu dân cư của chúng tôi được có một cái nhà tránh trú rất an toàn. Trước đây, khu vực này chưa có một nhà cộng đồng để người dân mấy xóm xung quanh tổ chức các lễ hội hoặc các hoạt động vui chơi. Tôi rất là vui khi mà hoàn thành công trình này, thì nó sẽ là một nơi gắn kết cộng đồng.”

Khu nhà tránh trú cộng đồng được lựa chọn nằm ở điểm giao giữa 4 thôn xóm (Bản Chồi, Phiêng Chầu 2, Bản Ỏ, Lũng Vài), có khoảng 300 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo lên đến 60%. Ở đây có nhiều điểm dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi thiên tai. Ông Đặng Chiều Phụng, Chủ tịch xã Đình Phùng cho biết: “Xây dựng nhà tránh trú thuộc xã Đình Phùng, khu này là trung tâm nhất, và xóm này cũng chưa có các cơ sở để sinh hoạt cho bà con nhân dân. Vì vậy, chúng ta lựa chọn đúng vị trí và đảm bảo an toàn. Công trình sau khi hoàn thành, nhất là các xóm lân cận như Bản Chồi, bản Ỏ...có chỗ mà trú ẩn, có chỗ sinh hoạt cộng đồng, tăng thêm giao lưu đoàn kết.”

Công trình Nhà tránh trú cộng đồng là một phần trong khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão Yagi và lũ lụt do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện, với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động, dự án cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những định hướng quan trọng là phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai có tính bền vững, dựa vào cộng đồng, hướng đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật: “Nhà tránh trú cộng đồng tại xã Đình Phùng chính là minh chính cụ thể cho định hướng đó. Công trình không chỉ là nơi trú ẩn an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường gắn kết và chia sẻ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của chính người dân địa phương. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao mô hình hỗ trợ từ quốc tế, được triển khai bài bản, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm. Và hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác của Việt Nam trong thời gian tới.”

          Cùng với việc xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng, thông qua, dự án hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi bão Yagi, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam còn cung cấp các hàng hóa phi thực phẩm cho gần 17 nghìn người dân tại Cao Bằng và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tự bảo vệ bản thân trước, trong và sau mùa bão lũ. Cách tiếp cận toàn diện này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho quá trình phục hồi. Bà Kendra Rinas, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đang triển khai các hoạt động của dự án tại 4 tỉnh. Chúng tôi lắng nghe nhu cầu của người dân và hỗ trợ để họ tự nâng cao năng lực của chính mình, từ đó giúp đỡ những người trong cộng đồng của mình trong tình huống khẩn cấp. Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, chúng tôi đã trao tặng các bộ dụng cụ thiết yếu cho các thành viên của đội xung kích phòng chống thiên tai của xã, bao gồm cáng cứu thương, cưa máy, v.v… để hỗ trợ người dân trong xã trong tình huống khẩn cấp. Chúng tôi cũng cung cấp các hướng dẫn giúp họ hiểu rõ cách sử dụng các bộ dụng cụ này, từ đó giúp họ ứng phó tốt hơn trước các rủi ro thiên tai trong tương lai.”

Cũng theo bà Kendra Rinas, IOM Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa tầm nhìn chung về một cộng đồng Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và bền vững.

          Theo thống kê, bão Yagi, cơn bão số 3 trong năm ngoái là một trong những cơn bão có sức tàn phá lớn nhất trong vòng 70 năm qua, đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tại tỉnh Cao Bằng, cơn bão này đã khiến 55 người thiệt mạng, gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 1.000 hộ gia đình rơi vào tình trạng không có nơi ở./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận