Hệ thống quản trị công hiệu quả ở các nước Bắc Âu - "bí quyết" hạnh phúc cho người dân
Hệ thống quản trị công minh bạch, hiệu quả, bền vững của các quốc gia Bắc Âu đã trở thành hình mẫu để nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về lãnh đạo và quản trị nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2025 công bố mới đây, cả 4 quốc gia Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan đều đứng trong tốp 10. Một điểm chung của các quốc gia này là có hệ thống quản trị công minh bạch, hiệu quả, bền vững với người dân là trung tâm. Các hệ thống này đã trở thành hình mẫu để nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về lãnh đạo và quản trị nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.  

          # Các quốc gia Bắc Âu, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan là những quốc gia có nền kinh tế thị trường xã hội phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, bình đẳng và an sinh xã hội luôn được bảo đảm và luôn đứng trong Top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Các nước Bắc Âu cũng là những nước có nền tảng phát triển khoa học, công nghệ cao. Trong những năm qua, các nước đều đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cải cách nền hành chính, quản trị công qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Ví dụ với Na Uy, mô hình quản trị của nước này tập trung vào việc cân bằng giữa chính quyền trung ương và địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân nhằm kiến tạo các hệ thống quản trị toàn diện và thích ứng hơn. Theo ông Halvor Walla, Chuyên gia công nghiệp về Quản lý công của Na Uy, các nghiên cứu cho thấy trong hệ thống quản trị công, các chính quyền địa phương có thành tích và chất lượng hoạt động tốt nhất không phải là những khu vực có nhiều nguồn lực nhất hoặc sử dụng nhiều nguồn lực nhất, mà sự khác biệt nằm ở cách thức quản lý và quản trị, và điều quan trọng là quản trị tốt được xây dựng trên niềm tin, sự minh bạch và sự tham gia của công dân. Ông Halvor Walla chia sẻ: "Ở Na Uy, chúng tôi tiến hành khảo sát về đánh giá của người dân đối với hoạt động của hệ thống chính quyền. Chúng tôi rất chú trọng vào việc thu thập số liệu thống kê và dữ liệu về hiệu quả hoạt động. Chúng tôi cũng rất tin tưởng vào việc thu thập dữ liệu và công khai dữ liệu để chính quyền trung ương có thể xem mọi việc diễn ra như thế nào, trong khi mỗi thành phố cũng có thể xem hiệu suất của họ so với mức chung của quốc gia và với các thành phố khác để xem liệu họ có đang làm tốt không. Đó là một trong những cơ chế rất quan trọng để đạt được hiệu suất tốt."

Trong khi đó, trong nhiều năm liền, Đan Mạch giữ vị trí hàng đầu thế giới về Chính phủ điện tử. Đan Mạch bắt đầu quá trình số hóa trong quản trị công từ năm 2001. Đây là một tiến trình có sự tham gia của chính quyền trung ương, 5 chính quyền khu vực và 98 chính quyền địa phương, với chiến lược chung được cập nhật theo chu kỳ 4 năm một lần. Thành công của Đan Mạch cho thấy chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cộng đồng dân cư, nâng cao hiệu quả dịch vụ công, mà còn tăng cường lòng tin vào thể chế và thúc đẩy sự tham gia của công dân. Các công cụ số cũng giúp chia sẻ dữ liệu tốt hơn, hỗ trợ ra quyết định hiệu quả, giúp chính phủ giải quyết hiệu quả những thách thức xã hội và duy trì phát triển bền vững. "Khi chúng ta nói về việc sử dụng AI hoặc số hóa nói chung, chúng ta cần có sự tham gia của công chúng. Nếu chúng ta cố gắng số hóa mà không có người dân sở hữu, thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, chúng ta cần có thứ gì đó kết nối mọi người với quá trình số hóa. Họ phải hình dung rằng bạn thực sự đang làm cho cuộc sống hàng ngày của họ tốt hơn bằng cách số hóa." - ông Anders Windinge, Cố vấn trưởng, Chính quyền địa phương Đan Mạch cho biết. 

Nhấn mạnh đến lợi ích của người dân, đó cũng là quan điểm của Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto. Phần Lan là quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, qua đó xây dựng một hệ thống quản trị bền vững, lấy người dân làm trung tâm. Đại sứ Phần Lan Keijo Norvanto khẳng định: "Một trong những nền tảng quan trọng là sự tin tưởng sâu sắc mà công dân đặt vào các cơ quan của chính phủ Phần Lan. Qua nhiều thế hệ, chúng tôi đã kiến tạo môi trường mà ở đó công dân tin tưởng chính phủ sẽ hành động vì lợi ích tốt nhất cho người dân - minh bạch, đạo đức và có trách nhiệm. Sự tin tưởng này không hiển nhiên mà có; nó được bồi đắp thông qua sự lãnh đạo nhất quán, có trách nhiệm và niềm tin rằng mọi quyết định đều được đưa ra với sự liêm chính và tính bao trùm"

Mô hình phát triển Bắc Âu có một số nét tương đồng với mô hình phát triển của Việt Nam, trong đó có đề cao vai trò quản trị quốc gia của nhà nước đối với điều tiết nền kinh tế thị trường, chú trọng đến an sinh, phúc lợi xã hội, bình đẳng, công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Kinh nghiệm lãnh đạo và quản trị quốc gia chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hiệu quả nhằm phát triển bền vững xã hội của mô hình Bắc Âu rất hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.  

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận