GIZ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam
VOV1 - Dự án SFM hướng tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững, với trọng tâm đặc biệt vào sản xuất gỗ lớn sẽ đáp ứng nhiều mục tiêu kép cho Việt Nam. Và GIZ sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam phát triển nền kinh tế xanh”. Đó là chia sẻ của bà Carina Van Weelden, quản lý dự án SFM.

         -Thưa bà, sau 3 năm, dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (SFM) đã đi gần hết chặng đường với nhiều kết quả tích cực. Xin bà cho biết về mục tiêu tổng thể của dự án trong việc hỗ trợ chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững (SFM) tại Việt Nam, với trọng tâm là rừng trồng chu kỳ dài, là gì?

      -Bà Carina Van Weelden:  Dự án hướng tới mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững (SFM), với trọng tâm đặc biệt vào sản xuất gỗ lớn. Trong khuôn khổ dự án, quản lý rừng bền vững (SFM) được hiểu như sau: Đó là quản lý rừng bền vững và thân thiện với khí hậu nhằm duy trì và nâng cao các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường của rừng sản xuất, vì lợi ích chung của chủ rừng, cộng đồng địa phương, các bên liên quan khác và các thế hệ tương lai. Cụ thể, quá trình chuyển đổi từng bước sang SFM bao gồm việc quản lý lâu dài các rừng trồng đơn loài chu kỳ ngắn (tại Việt Nam, phổ biến là cây keo) hướng tới các rừng trồng chu kỳ dài được quản lý bền vững. Các mô hình này đáp ứng mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về sản xuất gỗ lớn (gỗ xẻ) phục vụ ngành chế biến gỗ trong nước, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm.

         Ngoài ra, dự án còn có các mục tiêu khác bao gồm: thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các hộ rừng và cộng đồng sống gần rừng trồng; góp phần tăng cường khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon lâu dài. Mô hình lâm nghiệp ít thâm canh hơn cũng giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, ví dụ như giảm áp lực lên đất hoặc giảm sử dụng phân bón hóa học và chuyển sang phân bón hữu cơ. Một yếu tố then chốt khác của SFM là thúc đẩy trồng rừng hỗn giao với sự kết hợp giữa các loài cây bản địa và các loài cây ngoại lai phù hợp với điều kiện lập địa, qua đó nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng được quản lý bền vững và khả năng chống chịu của rừng trước tác động của sâu bệnh cũng như biến đổi khí hậu.

      Trong khuôn khổ dự án, quá trình chuyển đổi sang SFM sẽ được triển khai thông qua ba lĩnh vực can thiệp và các mục tiêu phụ như: Cải thiện khung pháp lý và thể chế, ví dụ: Dự án tư vấn cho các bên liên quan ở cấp quốc gia và cấp tỉnh về cách cải thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững; Tăng cường năng lực, ví dụ: Dự án xây dựng năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật, để từ đó họ có thể nâng cao năng lực cho chủ rừng trong quản lý rừng trồng chu kỳ dài. Chủ rừng và các nhân viên hợp đồng cũng được đào tạo về các phương pháp tiếp cận SFM.;  Tài chính cho quản lý rừng bền vững, ví dụ: Dự án hỗ trợ chủ rừng xây dựng các mô hình kinh doanh đổi mới và xác định các phương án tài chính tiềm năng cho quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, bình đẳng giới cũng được lồng ghép và thúc đẩy trong tất cả các hoạt động của dự án.

       -Xin bà cho biết, dự án này đóng góp như thế nào vào Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia và các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu của Việt Nam?

       Bà Carina Van Weelden: Chính phủ Việt Nam hiện là thành viên của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); trong các mục tiêu khí hậu quốc gia được thể hiện trong Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định (NDC) năm 2022, Việt Nam đã cam kết đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C. Theo đó, việc giảm nhẹ và cắt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất được kỳ vọng sẽ đạt mức phát thải âm - tức là hấp thụ nhiều khí nhà kính hơn lượng phát ra – với ít nhất 95 triệu tấn CO₂ tương đương, như đã nêu trong Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu. Phần lớn lượng phát thải âm này cần đến từ lĩnh vực lâm nghiệp, trong khi các lĩnh vực sử dụng đất khác như nông nghiệp vẫn tiếp tục phát thải.

     Dự án đã hỗ trợ các chủ rừng và các bên liên quan khác nâng cao hiểu biết về tiềm năng carbon rừng nói chung, cũng như xây dựng năng lực đo lường carbon rừng tại rừng của họ. Điều này góp phần giúp các chủ rừng và các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp sẵn sàng hơn trong việc định hướng hoạt động quản lý rừng theo các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu.

      Dĩ nhiên, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã được lồng ghép trong dự án, chẳng hạn như tăng khả năng chống chịu của rừng trồng trước các rủi ro như gió lớn, sâu bệnh - những rủi ro được dự báo sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu. Các mục tiêu trong NDC phù hợp với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam (VFDS) giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. VFDS bao gồm các mục tiêu như tăng sản lượng gỗ lớn từ rừng trồng trong nước, mở rộng diện tích rừng được quản lý bền vững và được cấp chứng chỉ rừng.

        Như các bạn đã biết, dự án đã hỗ trợ Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn đạt chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, đồng thời các thực hành SFM cũng đã được nhân rộng từ các lô trình diễn, đưa khoảng 2.000 ha rừng trồng được quản lý bền vững hơn.

        -Vậy, các mô hình trình diễn đóng góp như thế nào trong việc tăng cường khả năng hấp thụ carbon và giảm suy thoái rừng trong dài hạn ở Việt Nam thưa bà?

         -Bà Carina Van Weelden: Các lô trình diễn trong khuôn khổ dự án áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau về quản lý rừng bền vững (SFM), bao gồm tổ hợp loài và độ tuổi cây trồng. Phần lớn các mô hình trình diễn quá trình chuyển đổi từ rừng trồng keo chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài nhằm sản xuất gỗ lớn, chẳng hạn như lô rừng của Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn.

          Dự án đã đánh giá tác động đến khả năng hấp thụ carbon khi chuyển đổi rừng trồng keo chu kỳ ngắn (5 năm) tại Việt Nam sang chu kỳ dài 11 năm nhằm mục đích sản xuất gỗ lớn. Để đo lường trữ lượng carbon của rừng trồng keo ở các độ tuổi khác nhau, dự án áp dụng phương pháp luận "Quản lý rừng cải tiến (IFM)" VM0003 của VERRA. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trên thế giới theo tiêu chuẩn xác minh carbon hàng đầu hiện nay - Tiêu chuẩn Carbon Xác minh (VCS) của VERRA. VM0003 tập trung vào việc tăng khả năng hấp thụ carbon thông qua kéo dài chu kỳ khai thác. Kết quả cho thấy tiềm năng giảm phát thải đáng kể đối với các vùng đất có diện tích lớn và đồng đều. Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh kết hợp với việc kéo dài chu kỳ khai thác có thể làm tăng trữ lượng carbon dài hạn lên trung bình 221 tấn CO₂/ha đối với chu kỳ 11 năm, so với chỉ 78 tấn CO₂/ha đối với chu kỳ 5 năm.

     Theo đó, điều này tương đương với khả năng hấp thụ carbon bổ sung là 4,2 tCO₂e mỗi ha mỗi năm, sau khi đã trừ đi các yếu tố như không chắc chắn, rò rỉ carbon và tính không vĩnh viễn. Như vậy, việc chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững không chỉ giúp gia tăng giá trị gỗ mà còn mang lại lợi ích carbon bổ sung, góp phần vào mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nếu việc kéo dài chu kỳ rừng được duy trì lâu dài.

        Về việc giảm suy thoái rừng, Các lô trình diễn khác trong khuôn khổ dự án SFM cho thấy việc quản lý rừng bền vững có thể thực hiện với mô hình trồng rừng hỗn giao, bao gồm cả loài cây bản địa. So với mô hình rừng trồng thuần loài, mô hình rừng trồng hỗn giao này giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng chống chịu của rừng với sâu bệnh và giảm xói mòn. Thông qua các biện pháp này, ngành lâm nghiệp có thể tiếp tục hoạt động lâu dài mà không làm suy thoái đất nghiêm trọng hay khiến các khu vực trồng rừng trở nên không phù hợp do sự lấn át của sâu bệnh trong các mô hình thuần loài.

      -Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận